Không có tiến triển sau cuộc hội đàm Mỹ-Israel

Washington, Tel Aviv đều tránh đề cập chi tiết cuộc thương lượng, từ chối trả lời câu hỏi liệu có đạt được thỏa thuận nào hay không.
Cuộc hội đàm kín cấp cao ngày 24/3 giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Washington đã kết thúc mà không cho thấy tín hiệu khả quan nào chứng tỏ sự thay đổi quan điểm của Israel trong vấn đề xây khu định cư cho người Do Thái tại Đông Jerusalem.

Văn phòng Thủ tướng Israel Netanyahu ngày 24/3 chỉ cho biết cuộc hội đàm kín kéo dài 90 phút đã diễn ra trong "không khí tốt lành," cả Washington và Tel Aviv đều tránh đề cập chi tiết về cuộc thương lượng này cũng như từ chối trả lời câu hỏi liệu hai bên có đạt được bất kỳ thỏa thuận nào hay không.

Do nội dung cuộc hội đàm được giữ kín nên giới phân tích nhận định điều này chứng tỏ hai bên khó có thể hàn gắn hoàn toàn những rạn nứt.

Việc Israel tiếp tục xây khu định cư trên phần đất chiếm đóng của người Palestin đã gây ra cuộc tranh cãi ngoại giao từ một năm nay giữa nước này với Mỹ, sau khi chính quyền Obama liên tiếp kêu gọi Tel Aviv ngừng xây khu định cư Do Thái để mở đường cho các cuộc đàm phán hòa bình với Palestin.

Bên lề cuộc họp Ủy ban các vấn đề quan hệ Mỹ-Israel, ông Netanyahu cho rằng những đòi hỏi ngừng xây dựng các khu định cư ở Đông Jerusalem là "phi lý" và khẳng định Israel có quyền xây nhà ở thành phố này.

Trong khi đó, đã có phản ứng đầu tiên đối với việc Israel phê chuẩn lần cuối kế hoạch xây dựng 20 căn hộ cho người định cư Do Thái trên mặt bằng một khách sạn cũ của Palestin ở Đông Jerusalem hôm 23/3.

Arập Xêút ngày 24/3 chỉ trích Tel Aviv là "ngạo mạn và ngoan cố" trong vấn đề xây khu định cư Do Thái, cho rằng quan điểm của Thủ tướng Netanyahu về vấn đề này chỉ làm gia tăng sự hoài nghi trong dư luận về toàn bộ tiến trình hòa bình Trung Đông.

Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Israel ra thông cáo báo chí khẳng định chủ trương xoa dịu căng thẳng ngoại giao với London liên quan đến vụ ám sát thủ lĩnh phong trào Hồi giáo Hamas tại một khách sạn ở Dubai, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) hồi tháng Giêng vừa qua.

Thông cáo được đưa ra một ngày sau khi London quyết định trục xuất một nhà ngoại giao Israel do cáo buộc có liên quan đến vụ 12 hộ chiếu của Anh bị sử dụng trong vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Mahmoud al-Mabhoud hôm 20/1.

Đây là lần đầu tiên Anh trục xuất một nhà ngoại giao Israel kể từ năm 1988.

Ngoại trưởng Israel Avidgor Lieberman ngày 23/3 khẳng định Anh đã không chuyển được cho Tel Aviv bất cứ bằng chứng nào chứng minh Israel dính líu đến vụ ám sát trên.

Đồng thời, ông Lieberman tái khẳng định tầm quan trọng của quan hệ hai nước và lấy làm tiếc về quyết định của London.

Cùng ngày, một quan chức giấu tên của Israel tuyên bố Tel Aviv sẽ không trục xuất nhà ngoại giao nào của Anh để trả đũa động thái trên của London./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục