EC sẽ theo dõi sát diễn biến về kiểm soát vốn ở Síp

Theo EC ngày 28/3, sẽ theo dõi sát việc thực hiện các biện pháp kiểm soát dòng vốn ở Síp để đảm bảo việc đó được thực thi phù hợp.
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 28/3 nói rằng sẽ theo dõi sát việc thực hiện các biện pháp kiểm soát dòng vốn tại Cộng hòa Síp để đảm bảo việc đó được thực thi phù hợp với mục tiêu ngăn chặn mọi rủi ro có thể tác động đến sự ổn định về tài chính tại hòn đảo này.

EC nói thêm trong lúc việc áp dụng các biện pháp hạn chế là cần thiết trong tình cảnh hiện nay, sự luân chuyển tự do của dòng vốn cũng cần được khôi phục lại càng sớm càng tốt vì lợi ích của kinh tế Síp nói riêng cũng như thị trường Liên minh châu Âu nói chung.

Ngày 28/3, nhiều người dân Cộng hòa Síp đã lặng lẽ xếp hàng trước cửa các ngân hàng để rút tiền và khi đóng cửa sau sáu giờ, dòng người xếp hàng đã không còn và các nhân viên bảo vệ cũng không nhiều việc phải làm.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Síp Michalis Sarris tuyên bố áp dụng biện pháp kiểm soát vốn tạm thời, theo đó giới hạn mức tiền tối đa mỗi cá nhân được phép rút là 300 euro/ngày (tương đương 385 USD). Ngoài ra, hình thức thanh toán tiền bằng séc tạm thời bị cấm và những người có ý định du lịch nước ngoài chỉ được phép mang theo không quá 1.000 euro.

Tất cả các biện pháp tài chính này là nhằm ngăn chặn nguy cơ sụp đổ của hệ thống tín dụng vốn đang lung lay của Síp, dẫn tới làm tổn thương thêm nền kinh tế vốn mong manh của Síp.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Ioannis Kasoulides, các biện pháp trên có thể kéo dài trong một tháng "nếu mọi chuyện diễn ra suôn xẻ như ngày 28/3." Sau khi nhận được gói cứu trợ từ bên ngoài trị giá 10 tỷ euro (13 tỷ USD), Síp là quốc gia nhận cứu trợ tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đầu tiên tiến hành các biện pháp kiểm soát vốn. Tổng thống Nicos Anastasiades, tuyên bố sẽ cắt giảm 25% lương của mình và 20% lương của các thành viên trong nội các.

Mặc dù các ngân hàng đã mở cửa trở lại, song những tác động dây chuyền từ việc đóng cửa ngân hàng và các điều kiện "ngặt nghèo" phải đáp ứng để nhận cứu trợ sẽ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp Síp trong dài hạn.

Bên cạnh đó, việc đóng cửa Laiki, ngân hàng lớn thứ hai nước này, sẽ gây tổn thương cho danh tiếng của Síp, vốn được coi là trung tâm tài chính quốc tế, đồng thời tác động tiêu cực đến ngành ngân hàng và kéo dài tình trạng đình đốn của nền kinh tế. Một doanh nhân nhận định đây là cái giá phải trả khi là một thành viên của Eurozone.

Philip Suttle, Phó Giám đốc điều hành tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF) nhận định bất chấp gói cứu trợ từ bộ tam Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Liên minh châu Âu (EU), nhưng vẫn có khả năng Síp sẽ ra khỏi Eurozone.

Theo ông Suttle, phục hồi nền kinh tế mà không phá giá tiền tệ sẽ là một khó khăn vô cùng lớn đối với Síp. IIF dự kiến GDP của quốc đảo này sẽ giảm 20% vào năm 2015./.

Trà My (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục