Công bố đánh giá cạnh tranh ở 10 lĩnh vực kinh tế

Báo cáo cạnh tranh trong 10 lĩnh vực kinh tế được công bố nhằm nâng cao vai trò luật cạnh tranh và nhận thức của doanh nghiệp.
Sáng nay, 14/10, Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương đã tổ chức hội thảo Công bố báo cáo đánh giá cạnh tranh trong 10 lĩnh vực kinh tế.

Tiêu chí để lựa chọn 10 lĩnh vực trên là căn cứ vào qui mô thị trường, sự hoạt động trên thị trường có cạnh tranh nhưng các rào cản không cao và tiềm ẩn các hành vi phản cạnh tranh trên thị trường.

Theo kết quả đánh giá cạnh tranh đối với 5 ngành sản xuất là: ximăng, sắt thép, phân bón hóa học, thức ăn chăn nuôi, sữa và 5 ngành dịch vụ bao gồm: hàng không, ngân hàng, bảo hiểm, phân phối xăng dầu, viễn thông cho thấy mức độ cạnh tranh và hành vi cạnh tranh của những ngành này đều "tương đối lành mạnh."

Tuy nhiên, ông Lê Minh Hà, chuyên gia tư vấn của Cục Quản lý cạnh trạnh cho rằng, một số sản phẩm như sữa bột nhập khẩu, thép xây dựng, phân bón vẫn còn những hành vi cạnh tranh không lành mạnh như quảng cáo không đúng với thực tế thậm chí là để rèm pha các doanh nghiệp khác.

Còn trên lĩnh vực dịch vụ, ông Lê Minh Hà khẳng định, các hành vi cạnh tranh không lãnh mạnh đều tập trung chủ yếu trong lĩnh vực này, nhưng chủ yếu vẫn là các hành vi lợi dụng quảng cáo, khuyến mại để giành thị trường và hạ uy tín của đối thủ.

Việc công bố đánh giá cạnh tranh lần này theo các chuyên gia không chỉ khẳng định vai trò của luật cạnh tranh trong việc phán xét sự công bằng mà còn tạo ra một môi trường để định hướng và uốn nắn giúp các cơ quan và doanh nghiệp đi dúng hướng hơn trong việc tham gia vào thị trường.

Tiến sỹ Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho rằng, việc lựa chọn 10 lĩnh vực kinh tế này để đánh giá đã đáp ứng được 2 yêu cầu cơ bản là sự biến động về giá ảnh hưởng đến nền kinh tế và thứ hai là sự phản ứng và quan tâm của người tiêu dùng trong các lĩnh vực đó.

Song theo bà Loan, nội dung trong bản đánh giá còn "hiền hòa, tròn trĩnh và chưa thấy hết được những bức xúc của người tiêu dùng,"

Minh chứng chuyện này, theo bà Loan, giá đường thời gian vừa qua là một ví dụ cụ thể, trong khi nhà máy sản xuất đường kêu thừa đường để bán thì các doanh nghiệp thu mua và người tiêu dùng lại không mua được, thậm chí phải mua với giá “cắt cổ.”

"Lý do là các nhà phân phối không tiếp cận được với sản phẩm tại cổng nhà máy mà đều phải qua các trung gian để rồi giá bị đẩy lên rất cao."

Cùng chung quan điểm này, theo Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, việc hỏi doanh nghiệp trong các lĩnh vực kinh doanh đó để xây dựng báo cáo là việc “lạy ông tôi ở bụi này” nên cần phải có cách nhìn khách quan và sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia.

Do vậy, bên cạnh pháp lệnh giá để bình ổn thị trường thì cần phải có luật cạnh tranh và hướng tới người tiêu dùng. Ngoài ra, cần chú trọng đến việc phân phối bán lẻ, vì nếu sản phẩm tốt, dịch vụ tốt nhưng phân phối bán lẻ không tốt sẽ triệt tiêu thị trường.

"Điều đó đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan Quản lý cạnh tranh cũng như nhận thức của doanh nghiệp về luật cạnh tranh," Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục