TP.HCM tích cực triển khai bình ổn thị trường

Song song với phát triển mạng lưới phân phối, quản lý giá, thành phố kiên quyết xử lý đối tượng tung tin thất thiệt, hoạt động đầu cơ.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân vừa yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai các giải pháp bình ổn giá cả thị trường sau Tết Canh Dần 2010 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ động tạo nguồn hàng hóa thiết yếu để bình ổn giá cả thị trường.

Lãnh đạo thành phố đã giao Sở Công Thương nghiên cứu tiếp tục duy trì chương trình bình ổn thị trường được thực hiện rất có hiệu quả trong dịp Tết vừa qua - hỗ trợ 422,5 tỷ đồng với lãi suất bằng 0% trong thời gian sáu tháng.

Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh được phân công giúp 13 doanh nghiệp tạm trữ tám mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân thành phố để tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét, quyết định ngay trong tháng Ba này.

Thành phố hiện đang tích cực triển khai việc phát triển mạng lưới phân phối, hệ thống bán buôn, bán lẻ để mở rộng thị trường nội địa, gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đảm bảo nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.

Song song với đó, thành phố cũng tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường; chủ động thông tin tuyên truyền kịp thời, đầy đủ, chính xác các chủ trương, biện pháp điều hành giá cả của Nhà nước để nhân dân hiểu và đồng thuận, không lo lắng, hoang mang trước các thông tin về tái lạm phát, giá cả tăng cao.

Lãnh đạo thành phố kiên quyết xử lý các đối tượng tung tin thất thiệt, các hoạt động đầu cơ, nâng giá gây rối loạn xã hội.

Các ngành chức năng đang theo dõi tình hình giá cả thị trường sát sao, cố gắng không để xảy ra mất cân đối cục bộ, nhất là những vật tư, hàng hóa quan trọng là đầu vào của nền kinh tế và lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Bên cạnh đó, các đơn vị tăng cường kiểm tra giám sát việc tuân thủ các quy định về quản lý giá cả, không để độc quyền trong kinh doanh và phân phối, chống buôn lậu và đầu cơ tăng giá.

Các doanh nghiệp cũng chủ động nghiên cứu các biện pháp cải tiến công nghệ, tiết kiệm chi phí nguyên nhiên vật liệu, năng lượng, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh và góp phần ổn định giá cả./.
Hà Huy Hiệp (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục