Miền Trung-Tây Nguyên đối mặt nguy cơ mất mùa

Tình trạng hạn hán gay gắt tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên khiến nhiều diện tích trồng trọt của người dân có thể bị mất trắng.
Không nằm ngoài dự báo, tình trạng hạn hán tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên đang diễn ra gay gắt làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Mặc dù, nhiều giải pháp chống hạn đã được chủ động triển khai ngay từ đầu vụ Đông Xuân, tuy nhiên nguy cơ nhiều diện tích bị mất trắng do khô hạn là điều khó tránh khỏi, thậm chí còn ảnh hưởng cả tới vụ Hè Thu, vụ mùa 2013.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn) cho biết, hiện mực nước trong nhiều hồ, đập ở Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên chỉ đạt khoảng 30 - 50% dung tích thiết kế; nhiều hồ đập, thủy điện ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk chỉ còn khoảng 20 - 40%, do vậy khả năng thiếu nước cho cây trồng ở nhiều vùng vào cuối vụ Đông Xuân, đầu vụ Hè Thu là khó tránh khỏi.

Nhiều khả năng một số tỉnh như Quảng Nam, Bình Định, Ninh Thuận phải giảm từ 2.000 - 4.000ha trong vụ Hè Thu vì thiếu nước tưới.

Riêng tỉnh Bình Định, dự báo hạn hán sẽ khốc liệt hơn và theo tính toán chỉ đảm bảo đủ tưới cho 65% diện tích gieo trồng.

“Tại tỉnh Bình Định, diện tích lúa Đông Xuân bị hạn là khoảng 5.000ha trong tổng số hơn 45.400ha gieo trồng. Qua kiểm tra bước đầu ở 159 hồ chứa nước thì có tới hơn 100 hồ đã khô cạn; các sông, suối lớn mực nước cũng giảm mạnh,” Ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Định, chia sẻ.

Ông Trương Hồng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, không chỉ có lúa mà cây công nghiệp dài ngày như càphê, cao su cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề vì hạn, nhất là khu vực Tây Nguyên, vùng trọng điểm về càphê của cả nước. Thông thường mỗi vụ càphê cần 3- 4 đợt tưới nước, tuy nhiên hiện tại mới đến đợt tưới thứ 2 đã thiếu nguồn nước.

Tại Đắk Lắk, việc tích nước tại các hồ chứa rất đáng lo ngại. Ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, cho biết đến đầu năm 2013, hầu hết các hồ chứa chỉ tích nước được khoảng 30 - 50% dung tích. Tỉnh đã vận động toàn bộ dân các huyện đào, khoan giếng thêm nữa nhưng cũng không có nước. Đối với cây lúa thì bà con bơm nước sông lên tưới nhưng do xa nên tốn nhiều nhiên liệu.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có gần 7.200ha cây trồng bị khô hạn, trong đó mất trắng hơn 1.100ha và 5.075 hộ thiếu nước sinh hoạt.

Theo đánh giá, khả năng 20 - 30% diện tích càphê ở Đắk Lắk không thể tưới được, vùng càphê sẽ rất khó khăn. Khoảng 50% diện tích cây trồng vụ Thu Đông gieo trồng sớm còn có thể cho thu hoạch, nhưng năng suất cũng chỉ đạt khoảng 50 - 60%.

Dự kiến, toàn tỉnh sẽ bị mất trắng khoảng 19.000ha ngô, hơn 10.000ha đậu, lạc, bông vải với tổng thiệt hại ước tính hơn 200 tỷ đồng.

Trong khi đó, tỉnh Kon Tum đã có hơn 1.000ha cây trồng bị hạn, trong đó diện tích lúa nước là 800ha, còn lại là các loại cây trồng khác như càphê, ngô và rau màu. Trong số đó khoảng 500ha cây trồng có khả năng bị mất trắng.

Cũng trong tình trạng khô hạn, tại Đắk Nông, 10 hồ chứa cạn kiệt hoàn toàn, toàn tỉnh có hơn 2.300ha cây trồng thiếu nước (trong đó có 810ha lúa, 1.336,76ha càphê, 158ha hoa màu).

Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng yêu cầu các địa phương, đối với vụ Đông Xuân giảm tối đa diện tích mất trắng cuối vụ, thời gian cần nước chỉ khoảng một tháng nữa nên các địa phương cần cố gắng đảm bảo.

Ngoài phần giống đã hỗ trợ, các Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn áp dụng ngay các chính sách hỗ trợ kinh phí theo từng địa phương đối với các thiệt hại, nhất là các hộ nghèo.

Đối với cây càphê ở Tây nguyên, diện tích thiếu nước đợt 3 từ 10 - 20% sẽ làm giảm năng suất cây trồng. Các tỉnh Tây Nguyên phối hợp với Cục Trồng trọt cố gắng triển khai các biện pháp “cầm cự” chờ đến mùa mưa.

Đặc biệt, các địa phương lưu ý cần ưu tiên vùng nước tưới quy hoạch, tưới tiết kiệm (500 lít nước/cây) là đảm bảo cây phát triển. Tuyên truyền cho người dân tưới đúng thời điểm, có thể giãn cách ngày tưới giữa hai đợt ở những nơi đất ẩm chứ không nhất thiết phải là sau 20 - 25 ngày.

Chia sẻ kinh nghiệm mà Bình Định đã triển khai, ông Nguyễn Hữu Vui cho biết, giải pháp về giống và điều tiết tưới là đặc biệt quan trọng. Tỉnh Bình Định đã rà soát để đến trước 15/3 có thông báo tới các địa phương biết về các điểm có đủ điều kiện hoặc không đủ điều kiện nước tưới để chủ động kế hoạch sản xuất. Tỉnh xác định ưu tiên phục vụ cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất lúa giống, cho cánh đồng mẫu lớn, nơi nào thiếu nước sẽ chuyển sang cây trồng cạn.

Giải pháp được nhiều địa phương đồng tình nhất là triển khai sớm kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu, vụ mùa 2013.

Các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên cũng đề nghị được hỗ trợ về kinh phí nạo vét kênh mương, hồ đập; hỗ trợ về giống cây trồng cạn cũng như mong muốn được dự báo thời tiết ngắn hạn hơn để các địa phương chủ động chỉ đạo kịp thời tới người dân.

Trước dự báo tình hình hạn hán còn khốc liệt hơn trong thời gian tới, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương rà soát, khoanh vùng sản xuất lúa và chuyển đổi cây trồng, mùa vụ đảm bảo cho sản xuất.

Đối với những vùng nguồn nước không đủ tưới cho lúa nhưng vẫn đảm bảo cho cây màu ngắn ngày, hoặc những vùng không còn nước tưới nhưng khai thác được nguồn nước khác bổ sung thì chỉ đạo chuyển đổi sang gieo trồng các giống cây chịu hạn như: ngô, lạc, đậu tương, đậu xanh, các loại dưa, cà, ớt.

Tuy nhiên, Cục Trồng trọt cũng lưu ý các địa phương khi chuyển đổi cây trồng cần khoanh vùng sản xuất cây trồng cạn, đảm bảo liên vùng tránh đan xen lúa - màu; đối tượng cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và có thị trường tiêu thụ, đồng thời người dân phải được hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Theo kế hoạch, vụ hè thu và vụ mùa 2013 các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên gieo trồng hơn 672.000ha.

Thứ trưởng Bùi Bá Bổng chỉ đạo các địa phương triển khai sản xuất vụ Hè Thu năm nay càng sớm càng tốt, thu hoạch trước lũ xảy ra.

Các địa phương cũng cần có hướng dẫn cụ thể tới người dân trong việc chuyển đổi giống cây trồng để hạn chế thiệt hại. Địa phương nào khó khăn về nguồn nước cần xây dựng đề án lâu dài chuyển đổi từ lúa sang màu.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Trồng trọt nghiên cứu hướng sản xuất dài hạn, đổi mới hệ thống canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu đối với cả lúa và cây màu./.

Thành Trung (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục