Liệu có cơ hội hồi phục?

Chứng khoán: Cơ hội hồi phục mang tính kỹ thuật

Mặc dù không mấy lạc quan về xu hướng của thị trường trong năm tới, song ngắn hạn các chuyên gia cho rằng chứng khoán đang có cơ hội.
Thị trường chứng khoán đang đi đến chặng cuối cùng của năm 2012, tuy nhiên, các thành viên trên thị trường vẫn tỏ ra rất dè dặt và thận trọng trong các quyết định tham gia vào thị trường.

Sau hơn 11 tháng qua, thị trường đã trải qua nhiều biến động thăng trầm, sau khi lao dốc tới hơn 100 điểm trong năm 2011, chỉ số VN-Index bất ngờ hồi phục và tăng liền "một hơi" hơn 150 điểm (tương ứng 45%) từ mức đáy 336,73 điểm (ngày 6/1) lên đỉnh 488,07 điểm (ngày 8/5).

Nhưng niềm hưng phấn của thị trường ngay lập tức rơi vào sự hụt hẫng, khi chỉ số này lại quay đầu theo đúng cách mà nó đã đi lên. Chỉ số VN-Index đã trượt dài về dưới ngưỡng 400 điểm và giảm hơn 20% chốt đáy 377,82 điểm (ngày 30/11).

Tương tự, HNX-Index cũng di chuyển theo sơ đồ hình sin, sụt mất hơn 50 điểm trong năm 2011, chỉ số này cũng hồi sinh được hơn 28 điểm (tăng tương ứng 50%) từ mốc đáy 55,43 điểm (ngày 6/1) lên đỉnh 83,79 điểm (ngày 7/5) và sau đó lại xác lập mức đáy sâu nhất trong lịch sử 50,66 điểm (ngày 6/11).

Tín hiệu “sóng ngắn”


Bền bỉ, kiên trì bám thị trường, nhưng “lợi nhuận” lớn nhất của các nhà đầu tư thu được vẫn là những bài học đắt giá. Nhà đầu tư Nguyễn Tuấn Anh tại sàn SSI than thở nguồn lực tài chính cũng như tinh thần của giới đầu tư dường như đang cạn kiệt.

“Các nhà đầu tư cá nhân ở lại với thị trường hiện nay không còn nhiều và chủ yếu là những người dày dạn kinh nghiệm. Chúng tôi tranh thủ nắm bắt thời cơ và tìm kiếm những cơ hội trong chớp nhoáng với mong muốn tồn tại và duy trì sự hiện diện trên thị trường,” ông Tuấn Anh nói.

Phân tích cơ hội đầu tư ngắn hạn của thị trường, ông Nguyễn Thế Minh, Chuyên viên phân tích kỹ thuật, Công ty Chứng khoán Bản Việt cho biết, theo tính chu kỳ của nhịp giảm điểm từ giữa tháng 05/2012, thị trường thường đã xuất hiện 3 nhịp tăng nhỏ sau mỗi lần giảm mạnh.

Trong đợt giảm sâu hồi tháng 11/2012, thị trường cũng đã có 2 nhịp tăng nhẹ và dòng tiền đã có sự cải thiện mạnh sau chuỗi ngày giao dịch trầm lắng, đặc biệt là khối ngoại liên tục tham gia mua vào trong các nhịp giảm điểm,” ông Minh nói.

Trước mắt, cả hai chỉ số chính của thị trường vẫn đang phải đối mặt với áp lực bán mạnh tập trung tại các ngưỡng kỹ thuật 390 điểm của VN-Index và 52,5 điểm của HNX-Index.

Tuy nhiên với việc thanh khoản trong các phiên giao dịch gần đây cho thấy lực cầu đã sẵn sàng mua mạnh tại các mức giá cao. Về kỹ thuật, nhóm các chỉ báo kỷ thuật xung lượng tăng nhẹ chỉ ra xu hướng giảm điểm từ giữa tháng 5/2012 đã có dấu hiệu chững lại.

Cùng với đó, thị trường đang kỳ vọng trong tháng 12 có thể tiếp nhận nhiều thông tin tích cực từ các chính sách nhằm khơi thông thị trường bất động sản, hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và việc xử lý nợ xấu được đưa lên ưu tiên hàng đầu.

Một số chuyên gia trong ngành cho rằng tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại và đặt kỳ vọng thị trường có thể bứt phá được các mức 390 điểm của VN-Index và 52,5 điểm của HNX-Index trong tháng 12/2012 để xác lập xu thế tăng mới.

“Tôi cho rằng áp lực giảm sâu dưới các mức 375 điểm của VN-Index và 50,5 điểm của HNX-Index là rất khó xảy ra trong thời điểm này. Do đó, xu hướng tăng có thể sẽ được xác lập rõ ràng hơn trong cuối tháng 12/2012 và 3 tháng đầu năm 2013,” ông Minh đưa ra ý kiến.

Dài hạn có thể chứng kiến… đáy mới

Đồng tình với quan điểm nhiều khả năng nửa cuối tháng 12 và đầu những tháng đầu năm 2013 thị trường sẽ xuất hiện một đợt đầu cơ tăng giá. Tuy vậy, ông Nguyễn Tuấn, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán FLC, cũng cảnh báo rằng khi dòng tiền từ ngân hàng hỗ trợ cho đầu tư chứng khoán không còn mạnh như trước nên đà tăng giá của thị trường sẽ khó kéo dài và biên độ không lớn.

Một chuyên gia khác, ông Hoàng Công Tuấn, Chuyên viên phân tích, Công ty Chứng khoán MB, thì cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế như hiện nay sẽ rất khó đánh giá xu hướng thị trường. Minh chứng cho thấy, mặc dù đã có tín hiệu dòng tiền gia tăng song thị trường vẫn chưa thể bứt phá. Giao dịch của các nhà đầu tư tổ chức không lớn lắm, bên cạnh đó các nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường rất thận trọng và chỉ nhắm tới sinh lời ngắn hạn.

Về phân tích cơ bản, hầu hết các thành viên trên thị trường đều quan ngại cả hai khía cạnh kinh tế vĩ mô cũng như tình hình hoạt động kinh doanh của khối doanh nghiệp vẫn cho thấy những khó khăn và thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong năm tới là không nhỏ.

Trên thế giới, sau quá trình bong bóng tài sản kéo dài, nhiều nền kinh tế đã phải sử dụng đến biện pháp thắt chặt tiền tệ, điều này dẫn đến một giai đoạn suy thoái mới. Thêm vào đó, với tình trạng ngân sách hạn hẹp và lạm phát gia tăng thì việc điều hành kinh tế theo hướng thắt lưng buộc bụng đã là con đường được nhiều quốc gia lựa chọn để vượt qua khó khăn và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Ông Nguyễn Tuấn cũng dự báo năm 2013, Việt Nam nhiều khả năng sẽ lựa chọn cách đi tương tự thông qua việc cắt giảm chi tiêu ngân sách, kết quả là đầu tư công giảm và tăng trưởng GDP có thể cũng giảm.

Điều này có thể dẫn đến việc suy giảm tổng cầu, làm cho số lượng doanh nghiệp thu hẹp sản xuất thậm chí là đóng cửa sẽ tiếp tục gia tăng. Vòng xoáy suy giảm này chỉ dần được giải quyết khi hiệu quả đầu tư của toàn nền kinh tế phải cao hơn trước đây, như vậy đòi hỏi hoạt động tái cấu trúc các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước cần phải thực hiện triệt để.

“Trong bối cảnh nợ xấu còn đang tiếp tục gia tăng, lãi suất có xu hướng hạ dần nhưng vẫn đứng ở mức cao, hiệu quả đầu tư của toàn nên kinh tế còn thấp, thị trường chứng khoán trong năm sau sẽ có thể chứng kiến những mức giảm sâu hơn hiện nay. Trong diễn biến dài hạn đang còn suy giảm, đợt tăng giá trong trung hạn sẽ là cơ hội tốt để tiếp tục giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư,” ông Tuấn nhận định./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục