Ukraina: Biểu tình bộc lộ chính kiến dự luật ngôn ngữ

Người dân thủ đô Kiev của Ukraine đã xuống đường biểu tình bày tỏ sự ủng hộ và phản đối với dự luật ngôn ngữ vừa được thông qua.
Ngày 4/7, hàng trăm người dân thủ đô Kiev của Ukraine đã xuống đường biểu tình bày tỏ sự ủng hộ và phản đối với dự luật ngôn ngữ vừa được Quốc hội nước này thông qua.

Dự luật ngôn ngữ quy định tiếng Ukraine là ngôn ngữ quốc gia duy nhất. Tuy nhiên, văn kiện này mở rộng đáng kể phạm vi sử dụng của các ngôn ngữ thiểu số, đặc biệt là tiếng Nga. Cụ thể, tiếng Nga sẽ có quy chế ngôn ngữ khu vực tại địa phương có tối thiểu 10% dân số sử dụng ngôn ngữ này. Ukraine có 13/27 đơn vị lãnh thổ hành chính như vậy.

Dự luật này được thông qua đã kéo theo nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận Ukraine, thể hiện qua các cuộc biểu tình của cả những người ủng hộ và phản đối tại thủ đô Kiev.

Những người dân bỏ phiếu thuận cho luật ngôn ngữ khẳng định họ xuống đường để bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định của chính quyền và các nghị sỹ, ủng hộ sự ổn định của đất nước. Theo họ, việc thông qua luật ngôn ngữ là cần thiết và phù hợp với thực tế.

Trong khi đó, những người phản đối cho rằng văn kiện này tiềm ẩn nguy cơ đe dọa chủ quyền của Ukraine. Những người này kêu gọi Tổng thống Ukraine Viktor Yanucovich phủ quyết dự luật nói trên.

Hàng trăm cảnh sát chống bạo động đã được tăng cường tại các điểm công cộng ở thủ đô Kiev và đã xảy ra một số vụ xô xát giữa lực lượng an ninh với những người biểu tình ủng hộ và phản đối dự luật, buộc cảnh sát phải sử dụng vòi rồng và hơi cay để giải tán đám đông quá khích.

Trước những diễn biến này, Tổng thống Yanucovich đã hoãn cuộc họp báo, dự diễn ra ngày 4/7 tại tòa nhà "Ngôi nhà Ukraine" với sự tham gia của hàng trăm nhà báo, đồng thời triệu tập cuộc họp khẩn cấp với Chủ tịch Chủ tịch Quốc hội Volodymyr Lytvyn và lãnh đạo các phái nghị sỹ trong cơ quan lập pháp, tìm giải pháp tháo gỡ căng thẳng. Chủ tịch Lytvyn tuyên bố sẽ đệ đơn từ chức.

Trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2004, ông Yanucovich cam kết sẽ đưa tiếng Nga trở thành ngôn ngữ quốc gia thứ hai sau tiếng Ukraine. Tuy nhiên sau khi đắc cử Tổng thống năm 2010 ông thừa nhận không có đủ số phiếu ủng hộ trong Quốc hội để thông qua dự luật như vậy. Sau đó Đảng các khu vực ủng hộ tổng thống đã đưa ra dự luật về nâng cao quy chế tiếng Nga.

Dự luật ngôn ngữ của Ukraine sẽ chính thức có hiệu lực sau khi được Tổng thống Yanucovich ký ban hành thành luật./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục