Hội nghị mùa Xuân IMF-WB đánh giá về toàn cầu

Hội nghị thường niên mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới đã khai mạc ngày 19/4 tại thủ đô Washington của Mỹ.
Hội nghị thường niên mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã khai mạc ngày 19/4 tại thủ đô Washington của Mỹ với sự tham dự của bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng các nước trên thế giới.

Chương trình nghị sự hội nghị năm nay là đánh giá những diễn biến của kinh tế toàn cầu và các biện pháp thúc đẩy phục hồi. Lãnh đạo ngành tài chính và ngân hàng thế giới sẽ tập trung vào vấn đề tăng trưởng và việc làm.

Hội nghị cũng đồng thời đóng vai trò như một diễn đàn thảo luận của các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhân vật có ảnh hưởng đến từ 188 quốc gia thành viên của hai thể chế này nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tạo việc làm.

Hội nghị thường niên mùa Xuân của IMF và WB năm nay diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn phục hồi khá ảm đạm và không đồng đều.

Trong Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới (WEO) mới nhất công bố ngày 16/4, IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2013 xuống còn 3,3%, giảm 0,2% so với dự báo đưa ra hồi tháng Giêng.

Báo cáo trên cho rằng triển vọng kinh tế toàn cầu đã được cải thiện, song con đường phục hồi kinh tế tại các nước phát triển sẽ vẫn gập ghềnh.

IMF dự báo kinh tế của các nước phát triển sẽ tăng trưởng 1,2% trong năm nay và 2,2% trong năm tới, lần lượt giảm 0,1% và tăng 0,1% so với dự báo trước đó.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc IMF, bà Christine Lagarde cho rằng nền kinh tế thế giới đang trải qua tiến trình phục hồi ba tốc độ.

Theo bà, sau một thời gian bất ổn, kinh tế toàn cầu đã dần được cải thiện và không tiềm ẩn nhiều rủi ro như cách đây nửa năm.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng giữa các khu vực không đồng đều, và điều này đã dẫn tới tình trạng tăng trưởng chênh lệch giữa các nền kinh tế thế giới.

Bà Lagarde nêu rõ thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất là các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Nhóm này đã phục hồi ngoạn mục sau khi suy giảm nhẹ trong năm 2012, chủ yếu nhờ áp dụng các chính sách giảm thiểu rủi ro tài chính hợp lý.

Mỹ nằm trong nhóm có tốc độ tăng trưởng "thứ hai," với những kết quả đáng kể trong việc cải cách hệ thống tài chính cũng như tình trạng nợ của các hộ gia đình. Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Nhật Bản thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng "thứ ba"./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục