"Triều vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an"

IAEA cho rằng Triều Tiên quyết định khởi động lại tổ hợp hạt nhân Yongbyon là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.
Sau khi Triều Tiên ngày 2/4 tuyên bố quyết định khởi động lại tổ hợp hạt nhân Yongbyon, Cơ quan Năng lượng nguyên tử (IAEA) cho rằng "đây là một diễn biến rất đáng tiếc," vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

[LHQ: Khủng hoảng tại bán đảo Triều Tiên đi quá xa]

Trước đó cùng ngày, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA dẫn tuyên bố của phát ngôn viên Tổng cục Năng lượng nguyên tử của Triều Tiên cho biết nước này đã quyết định "điều chỉnh và cho hoạt động trở lại" tất cả các cơ sở tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon, bao gồm một nhà máy làm giàu urani và một lò phản ứng công suất 5MW. Động thái này phù hợp với chính sách "tăng cường lực lượng vũ trang hạt nhân cả về chất và lượng," đồng thời giúp giải quyết triệt để tình trạng thiếu điện.

Tổ hợp hạt nhân này đã đóng cửa từ tháng 10/2007, theo một thỏa thuận trên bàn đàm phán sáu bên (gồm Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên).

Người phát ngôn của IAEA Gill Tudor nêu rõ: "Một lần nữa, Tổng Giám đốc IAEA kêu gọi Triều Tiên thực thi đầy đủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an và Ban điều hành IAEA."

Mỹ cho rằng động thái trên của Triều Tiên vi phạm các nghĩa vụ quốc tế cũng như các cam kết của Bình Nhưỡng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nhận định việc Triều Tiên khởi động lại cơ sở hạt nhân Yongbyon là "rất đáng báo động," đồng thời nhấn mạnh Washington không chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cam kết sẽ bảo vệ các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc khỏi các mối đe dọa an ninh từ Triều Tiên.

Phát biểu trong một cuộc họp báo chung sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se tại Washington, ông Keri cho biết "Mỹ đã chuẩn bị đầy đủ và sẽ làm những gì cần thiết để bảo vệ mình cũng như đồng minh."

Tuy nhiên, ông cho biết thêm Mỹ sẵn sàng nối lại đàm phán với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng "nghiêm túc về giải trừ hạt nhân."

Tại cuộc gặp, hai ngoại trưởng đã thảo luận về việc tăng cường các biện pháp đối phó với Triều Tiên.

Cùng ngày, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Goerge Little cho biết Hải quân Mỹ đã điều hai tàu khu trục được trang bị hệ thống tên lửa dẫn đường lớp Aegis là USS John McCain và USS Decatur đến khu vực Tây Thái Bình Dương để "chuẩn bị đối phó với các mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên nhằm vào các đồng minh của Mỹ hoặc lãnh thổ Mỹ."

[Mỹ điều chiến hạm thứ 2 đến gần bán đảo Triều Tiên]

Ông Goerge Little đã đính chính lại các nguồn tin trước đó nói rằng Mỹ đã điều tàu khu trục USS Fitzgerald có trang bị hệ thống Aegis đến vùng biển gần Bán đảo Triều Tiên.

Tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Nghiệp Toại cho biết Trung Quốc cam kết theo đuổi mục đích phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên cũng như duy trì hòa bình và ổn định tại đây.

Tân Hoa xã dẫn lời ông Trương Nghiệp Toại nêu rõ: "Trung Quốc phản đối bất cứ bên nào đưa ra các tuyên bố khiêu khích hoặc làm bất cứ việc gì hủy hoại hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên và trong khu vực."

Theo ông Trương Nghiệp Toại, Trung Quốc đang theo dõi sát tình hình hiện nay và kêu gọi giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và tham vấn. Ông cũng kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và bình tĩnh, tránh mọi hành động có nguy cơ làm xấu thêm tình hình.

Trong một diễn biến mới nhất, nguồn tin ngoại giao Hàn Quốc cho biết ngày 4/3 Triều Tiên đã không cho phép công dân Hàn Quốc vào khu công nghiệp Kaesong, sau khi đe dọa đóng cửa khu công nghiệp là biểu tượng duy nhất còn lại của sự hợp tác giữa hai miền Triều Tiên này.

Giới chức hải quan và xuất nhập cảnh Hàn Quốc tại thành phố biên giới Paju, cách Seoul 50km về phía Tây Bắc cho biết cho đến 9 giờ sáng nay (giờ Hàn Quốc), Triều Tiên vẫn không có hồi đáp về việc cho phép cho các nhân viên quản lý và vận chuyển Hàn Quốc ra vào khu công nghiệp. Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất ở đây vẫn diễn ra bình thường.

Khu công nghiệp chung Kaesong chính thức đi vào hoạt động từ năm 2004. Hiện có 868 công dân Hàn Quốc làm việc trong 123 doanh nghiệp hoạt động sản xuất tại đây và sử dụng khoảng 54.000 lao động Triều Tiên./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục