TP.HCM tìm giải pháp quản lý hoạt động "cơm bụi”

Thực phẩm mất an toàn vệ sinh từ các quán “cơm bụi” đang ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng từng ngày, từng giờ.
Thực phẩm mất an toàn vệ sinh từ các quán “cơm bụi” đang ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng từng ngày, từng giờ. Nhưng công tác quản lý lại không phải là một bài toán dễ giải đối với các cơ quan chức năng.

Để quản lý tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có chủ trương kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các quán ăn này.

Tính đến nay, trên địa bàn phường Linh Trung, quận Thủ Đức có khoảng 156 quán ăn nhưng chỉ có 45 quán được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó, đây là khu vực tập trung rất nhiều sinh viên, công nhân sinh sống học tập và làm việc.

Bà Cao Bích Vân, cán bộ trạm y tế – kiêm cán bộ thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm phường Linh Trung, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nguyên nhân là do chủ quán ăn không nộp đơn xin thẩm định vệ sinh an toàn thực phẩm để từ đó cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra và cấp giấy chứng nhận.

Đây là hành vi bất hợp tác của một số chủ quán, thậm chí có nơi cơ quan chức năng mời lên tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng vẫn không chấp hành.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân các phường, xã chưa triệt để xử phạt đối với cơ sở chưa có giấy chứng nhận. Bộ máy quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn thiếu và yếu, đặc biệt là tuyến quận, huyện và phường, xã.

Làng Đại học Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh là khu vực giáp ranh giữa khu phố 6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức với huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương nên việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm của các quán kinh doanh thức ăn này là rất khó.

Ông Trần Tấn Minh, Chủ tịch phường Linh Trung, cho biết hiện nay, khu vực khu phố 6, phường Linh Trung là khu vực giải tỏa trắng cho nên không cấp giấy phép kinh doanh cho bất cứ hàng quán nào trên địa bàn.

Trong khi đó, những người buôn bán hàng quán tại khu phố 6 này đều là dân tạm cư, do vậy công tác quản lý về nhân khẩu, quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm là rất khó khăn. Điều này cho thấy, hoạt động kinh doanh chế biến thực phẩm của các hàng quán này là không phép.

Nhưng khi cơ quan chức năng đến lập biên bản và đình chỉ hoạt động thì lập tức ngày hôm sau lại xuất hiện quán khác. Thậm chí vẫn là quán cũ nhưng thay tên, đổi chủ còn chủ cũ thì “lặn” mất tăm không xuất hiện.

Bà Cao Bích Vân cho biết đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra các hàng quán này, yêu cầu nhân viên tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm, khám sức khỏe và cấp giấy chứng nhận.Tuy nhiên đến đợt kiểm tra sau thì mọi chuyện vẫn như cũ, nhân viên có giấy chứng nhận nghỉ việc, chủ quán lại tuyển nhân viên mới chưa qua tập huấn.

Trong thời gian qua Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cùng Ủy ban Nhân dân phường Linh Trung, quận Thủ Đức, Ủy ban Nhân dân xã Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương đã phối hợp kiểm tra các hàng quán xung quanh khu Đại học Quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng đến nay, tình hình vẫn như cũ.

Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Trưởng phòng Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, để quản lý tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại các quán ăn vỉa hè đặc biệt là các quán “cơm bụi” thì phường, xã cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra quản lý đồng thời phải “mạnh tay” đối với những chủ kinh doanh vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm./.

(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục