Tết cười ngả nghiêng

Cười nghiêng ngả từ Nam ra Bắc mùa Tết Tân Mão

Các danh hài nổi tiếng hai miền Nam-Bắc không chỉ khuấy động truyền hình mà còn rủ nhau “quậy tưng” trong chùm đĩa hài đặc sắc.
Tết Tân Mão 2011 này, các danh hài nổi tiếng hai miền Nam-Bắc sẽ không chỉ khuấy động truyền hình mà còn rủ nhau “quậy tưng” trong chùm đĩa hài đặc sắc: "Tết cười" (hai tiểu phẩm “Siêu nịnh” và “Kẻ cắp gặp bà”); "Cười xuân Nam Bắc" (hai tiểu phẩm “Bu thằng Bời” và “Trẻ con không được ăn thịt chó”)...

“Tết cười” ngả nghiêng…

"Siêu nịnh" là câu chuyện về tên quan huyện (Công Lý thủ vai) luôn tự đắc về tài “siêu nịnh” của mình, chiều 30 Tết bỗng hứng chí trổ tài nịnh vợ (Vân Dung đóng). Đúng lúc y đang thề bồi như đinh đóng cột rằng từ nay chỉ nịnh duy nhất vợ mình mà thôi thì liền ngay đó y đã phải nuốt lời, nịnh hết cỡ để lấy lòng các vị khách không mời.

Đầu tiên y phải “uốn lưỡi” với quan Tri phủ (Quốc Anh) thình lình đi thu “tô” chiều cuối năm. Tiếp đến là một thằng cùng đinh (Hán Văn Tình) vác dao nhảy bổ vào. Chưa kịp hoàn hồn thì xuất hiện ả gái làng chơi (Hằng chèo) cũng nhè cái ngày năm hết Tết đi đòi món nợ “chơi chịu” của quan huyện bấy lâu nay… Kết cục huyện ông bị huyện bà vác đòn gánh rượt đuổi…

Tác giả thể hiện "Siêu nịnh" theo phong cách hài dân gian, lấy nông thôn Việt Nam dưới thời thực dân phong kiến làm bối cảnh. Còn tiểu phẩm "Kẻ cắp gặp bà già" được thể hiện theo phong cách hài hiện đại và bối cảnh tại Thành phố Hồ chí Minh.

Chị Vân (Hồng Vân) bất ngờ gặp thằng trộm tại tư gia trong lúc định về nhà lấy tiền (trước khi ly dị chồng). Nhanh trí, Vân lừa thằng trộm phục vụ luôn cho mục đích phá khóa két sắt của chồng để lấy tiền, trong khi nó lại đinh ninh chị Vân là thợ sửa khóa được mời đến nên ung dung vào vai ông chủ nhà. Cả hai cùng ra sức lừa nhau.

Kết cục khôi hài sớm muộn cũng lộ tẩy như người ta thường nói “kẻ cắp bà già gặp nhau!” Tiểu phẩm phát hành chính thức ngày 7/1/2011.

Từ Nam ra Bắc

Đĩa hài "Cười xuân Nam Bắc" là mảnh đất cho các nghệ sĩ hai miền Nam-Bắc thể hiện tài chọc cười khán giả. Phía Bắc, nghệ sĩ Vân Dung không chỉ hài hước trong vai bu thằng Bời (tiểu phẩm “Bu thằng Bời”) mà còn kiêm luôn vai trò biên kịch.

Bời (Hiệp gà) là tên cúng cơm của một thanh niên làng đã thoát ly lên Hà Nội. Ngày Bời cưới vợ, người yêu Bời nhất định đòi nhà trai phải có mặt ở Hà Nội cho dù bu thằng Bời (Vân Dung) bụng chửa vượt mặt chỉ còn hai hôm nữa là đẻ thì vẫn phải vác bụng cùng đứa em gái của Bời (Hồ Liên) làm một chuyến ra tỉnh cho đủ mặt.

Nhiều tình huống khôi hài đã xảy ra khi một bà già quê mùa lần đầu ra phố, lại còn phải loay hoay đối đáp với cô con dâu tương lai về cái bụng của mình…

Còn phía Nam, gia đình anh Mộc (Hoài Linh) và chị Na (Hồng Vân) nghèo khó, phải bán cả mảnh vườn để lấy tiền sửa lại căn nhà dột nát. Đã vậy, anh Mộc còn phải cắn răng thết gã Lý Trưởng (Xuân Trang) một bữa thịt chó để gã này đóng cho cái triện vào giấy bán đất (trị giá hai đồng mốt, bằng 1/5 tiền bán vườn).

Cơ cực là làm thế nào để cho lũ trẻ háu đói hiểu là trẻ con không nên ăn thịt chó, để dành đãi cụ Lý… Chuyện cười mà chảy nước mắt khi cụ Lý không những ung dung một mình chén sạch cả mâm thịt mà còn nghĩ cách bắt vạ nhà anh Mộc thêm đôi giày Gia Định mới.

Kịch bản hài "Trẻ con không được ăn thịt chó" này được lấy tình huống từ hai truyện ngắn nổi tiếng: "Trẻ con không được ăn thịt chó" của cố nhà văn Nam Cao và "Cụ Bá chánh mất giày" của cố nhà văn Nguyễn Công Hoan. Tiểu phẩm sẽ phát hành ngày 13/01/2011.

Với chùm đĩa hài này, đạo diễn Phạm Đồng Hồng hy vọng có thể dung hòa được chất hài vốn rất khác biệt giữa hai miền Nam-Bắc. Chính vì thế, ngay từ tháng Sáu đạo diễn và ekip thực hiện đã phải vào Thành phố Hồ Chí Minh phục dựng các bối cảnh thật để quay./.

Xuân Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục