Các tập đoàn của VN tăng đầu tư vào Campuchia

Tổng vốn đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào 63 dự án được Hội đồng Phát triển Campuchia cấp phép trong 1 năm qua đạt 900 triệu USD.
Ngày 25/7 tại Siem Reap, Campuchia, Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC) đã tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả một năm hoạt động xúc tiến đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Campuchia.

Tham dự hội nghị về phía chính quyền sở tại có lãnh đạo cấp cao ngành ngân hàng Campuchia cùng tỉnh trưởng các tỉnh Kampong Thom, Siem Reap, Pursat, Takeo và Battambang. Phía Việt Nam tham dự có ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV); ông Trần Anh Tuấn, Tổng Giám đốc BIDV, Đại sứ nước ta Ngô Anh Dũng cùng đông đảo đại diện các tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Vương quốc Campuchia.

Trình bày báo cáo tổng kết, ông Trần Bắc Hà nêu rõ được sự chỉ đạo sát sao của chính phủ hai nước, sự nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam và sự phối hợp chặt chẽ của AVIC và BIDV - đơn vị tiên phong mở đường thành lập các đại diện thương mại tại Campuchia - hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Campuchia đã tăng trưởng mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu và mong muốn của chính phủ hai nước.

Tổng số vốn đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào 63 dự án đã được Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC) cấp phép trong một năm qua (tính tới ngày 30/6/2010) đạt 900 triệu USD, đưa Việt Nam trở thành nước đầu tư lớn thứ ba ở Campuchia, sau Trung Quốc và Hàn Quốc.

Trong số các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn của Việt Nam đầu tư tại Campuchia có Tổng Công ty Viễn thông quân đội (Viettel), BIDV, Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Thương mại Hoàng Anh Gia Lai...

Các doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều dự án đầu tư tại Campuchia trong các lĩnh vực tiềm năng như viễn thông, tài chính-ngân hàng, hàng không, nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, trồng cây cao su và cây công nghiệp, khai khoáng, năng lượng và y tế...

Song song với hoạt động đầu tư, thương mại, trong năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tích cực đóng góp và hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội của Campuchia với số tiền cam kết lên tới 6 triệu USD. Những việc làm trên đã được Chính phủ Campuchia đánh giá cao, coi đây là biểu hiện của tình đoàn kết và hữu nghị anh em truyền thống giữa hai nước.

Báo cáo cũng tổng kết những mặt còn hạn chế trong việc triển khai hoạt động đầu tư, chỉ ra nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm. Báo cáo đồng thời kiến nghị chính phủ hai nước có những chính sách cụ thể khuyến khích đầu tư Việt Nam vào Campuchia cho xứng tầm với mối quan hệ chính trị ngày càng tốt đẹp giữa hai nước.

Nhân dịp này, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC) - một trong ba sự hiện diện của BIDV tại đất nước chùa Tháp đã khai chương chi nhánh mới tại thành phố Siem Reap. Đây là chi nhánh thứ ba của BIDC sau chi nhánh đầu tiên tại thủ đô Phnom Penh và một chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh.

BIDC, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2009 với vốn điều lệ 70 triệu USD, là ngân hàng thương mại có vốn đầu tư lớn thứ hai tại Campuchia. Sau gần một năm hoạt động, BIDC đã kinh doanh có lãi và hiện nay đã nâng tổng vốn tài sản lên 150 triệu USD.

Với uy tín và thương hiệu sẵn có của BIDV, BIDC đã nhanh chóng được thị trường tài chính-ngân hàng Campuchia biết đến và bước đầu đã thực hiện được mục tiêu đề ra là kết nối thị trường tài chính giữa hai nước, cung cấp các gói dịch vụ tài chính hoàn hảo cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Campuchia và góp phần thúc đẩy nền kinh tế nước này phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục