Thẩm phán, chức sắc tôn giáo góp ý Hiến pháp 1992

Ngày 6/3, TAND thành phố Hà Nội và Ủy ban MTTQ tỉnh Sóc Trăng tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Ngày 6/3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Đề xuất tăng thẩm quyền cho Hội đồng Hiến pháp

Ngày 6/3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến của cán bộ thẩm phán hai cấp tòa án về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trong đó nổi bật là các ý kiến đề nghị tăng thẩm quyền cho Hội đồng Hiến pháp được quy định tại Điều 120, Chương X của bản dự thảo.

Đây là quy định hoàn toàn mới, chưa có trong bản Hiến pháp 1992, quy định về Hội đồng Hiến pháp do Quốc hội thành lập, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên.

Hội đồng Hiến pháp kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành.

Theo các ý kiến phân tích, Hội đồng Hiến pháp được quy định thẩm quyền quá hạn hẹp, nên kiến nghị xem xét, yêu cầu sửa đổi bổ sung, đề nghị hủy bỏ văn bản vi hiến, kiểm tra tính hợp hiến của các điều ước quốc tế.

Nhiều thẩm phán cho rằng Hội đồng Hiến pháp còn thiếu một quyền rất quan trọng là quyền tài phán, quyền được phán xét văn bản quy phạm pháp luật đó là đúng hay sai.

Cụ thể, đối với các quy định thấy rõ ràng sai, không có hiệu lực thi hành, vi phạm hiến pháp, xâm phạm quyền công dân… nhưng Hội đồng Hiến pháp chỉ có quyền kiến nghị mà không có quyền phán xét rõ ràng là sai hay đúng.

Trên cơ sở đó, các ý kiến đề xuất theo hai hướng, hoặc là tăng thẩm quyền cho Hội đồng Hiến pháp, hoặc là thành lập Tòa án Hiến pháp. Các đề xuất trên là nhằm tăng tính thực thi cho Hội đồng Hiến pháp. Mặt khác, việc để Hội đồng Hiến pháp trực thuộc Quốc hội cũng là điều không thích hợp, cơ quan này cần thiết phải được đứng độc lập mới tăng hiệu quả hoạt động.

Liên quan tới lĩnh vực hoạt động của ngành tòa án, các ý kiến đóng góp cũng đề nghị trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần quy định thêm các nội dung tăng thẩm quyền cho tòa án, như tòa án được ban hành án lệ và coi đây là một nguồn của pháp luật, tòa án được thêm chức năng giải thích pháp luật…

Tập trung góp ý về vấn đề dân tộc, tôn giáo

Ngày 6/3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị để lấy ý kiến các chức sắc tôn giáo và người có uy tín đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tham dự Hội nghị có trên 70 chức sắc các tôn giáo và người có uy tín trong tỉnh. Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung góp ý về Điều 5 về dân tộc, Điều 9 về vai trò của Mặt trận các cấp, Điều 25 về tôn giáo và Điều 35 về đảm bảo an sinh xã hội.

Thượng Tọa Dương Nê, trụ trì chùa Trà Cuôn (huyện Mỹ Xuyên) thống nhất cao với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nội dung Dự thảo sửa đổi lần này có nhiều điểm mới như Điều 16, Điều 17 về vấn đề tôn giáo tín ngưỡng, trong đó nêu lên được các khoản như mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để vi phạm pháp luật...

Góp ý về khoản 2 Điều 5 về vấn đề dân tộc, có đại biểu đề nghị thêm vào từ “đều,” có nghĩa là “các dân tộc đều bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển.”

Tại khoản 3 Điều 9 về vai trò của Ủy ban mặt trận các cấp, đại biểu đề nghị bỏ từ “tạo điều kiện” thay vào bằng từ “có trách nhiệm đảm bảo” nhằm hạn chế cơ chế xin cho. Đối với Điều 25 về tôn giáo, tín ngưỡng cũng được các đại biểu thảo luận rất nhiều. Nhiều đại biểu đồng ý thêm vào khoản 1 từ “tự do,” có nghĩa là mọi người có  quyền tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo.”

Đối với từ “bảo hộ” trong Điều này, các đại biểu nhất trí đề nghị đổi thành “bảo vệ” sẽ phù hợp hơn. Các đại biểu còn đề nghị cần phải giải thích cho rõ để nhân dân hiểu đúng giữa các từ: “nơi thờ tự” và “cơ sở thờ tự.”

Đối với Điều 35 (sửa đổi, bổ sung Điều 67 Hiến pháp năm 1992) trong Dự thảo viết quá ngắn, đại biểu đề nghị giữ nguyên Điều 67 trước đây.../.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục