“Con đường tơ lụa” nối Trung Quốc và Trung Đông

Nghĩa Ô đã trở thành giao lộ của “Con đường tơ lụa” nối Trung Quốc và Trung Đông, thu hút hơn 200.000 thương nhân Arập mỗi năm.
Trong tiết trời thu se lạnh, bầu không khí vương đầy mùi khói tỏa ra từ những chiếc tẩu thuốc, hòa quyện với mùi thơm nức mũi của những xiên thịt cừu nướng trên lò, những người đàn ông đang nói chuyện với nhau bằng tiếng Arập trong tiếng nhạc rộn ràng, dưới ánh đèn neon mờ ảo hắt ra từ những tấm biển hiệu của các nhà hàng.

Không có gì đáng nói thêm nếu đây là một thành phố nào đó ở Trung Đông. Nhưng nơi đây lại là miền Đông Trung Quốc.

Nghĩa Ô, thành phố 2 triệu dân cách Thượng Hải 300km về phía Nam, đã trở thành giao lộ của tuyến đường thông thương nổi tiếng được mệnh danh là “Con đường tơ lụa” nối Trung Quốc và Trung Đông, thu hút hơn 200.000 thương nhân Arập mỗi năm.

Ben Simpfendorfer, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Hoàng gia Scotland, cho biết trong khi Mỹ và châu Âu thắt chặt hoạt động cấp thị thực sau vụ tấn công khủng bố ngày 9/11/2001, Trung Quốc lại nới lỏng các quy định cấp thị thực cho người Arập.

Các quan chức thành phố Nghĩa Ô thậm chí còn đi xa hơn nữa. Nhằm phát triển thị trường bán buôn rộng lớn, họ đã hỗ trợ xây dựng một nhà thờ Hồi giáo, khuyến khích các trường dạy tiếng Arập và cho phép khoảng 3.000 người Arập đến đây định cư.

Ashraf Shahabi, 29 tuổi, là chủ nhà hàng Al-Arabi, một trong hơn chục quán ăn do người Arập mở ra ở khu phố người nước ngoài của Nghĩa Ô. Anh đã chứng kiến sự thay đổi của thành phố. Rời Jordan năm 2002, Shahabi đến làm việc tại nhà hàng của một người bác, khi đó là một trong số ít cơ sở kinh doanh do người Arập làm chủ ở Nghĩa Ô. Anh học tiếng quan thoại, rồi bắt đầu công việc buôn bán và cưới một cô gái người Trung Quốc.

Các sự kiện xảy ra trên thế giới sau vụ tấn công khủng bố gây chấn động toàn cầu 11/9 đã làm xuất hiện làn sóng thương nhân đổ dồn tới Trung Quốc. Người Afghanistan là những người đầu tiên đổ về Nghĩa Ô để chạy trốn cuộc chiến tranh thảm khốc, rồi sau đó người Iraq đến còn đông hơn, cũng để thoát khỏi tình trạng bạo lực leo thang.

Anh Shahabi cho biết số lượng thương nhân đến từ thế giới Arập bắt đầu tăng lên từ đó, cùng với sự tăng vọt của giá dầu thế giới và sức mua gia tăng ở Trung Đông. Họ đến đây không vì điều gì ngoài Phú Điền, tên địa phương của chợ bán buôn hàng hóa của Nghĩa Ô. Anh nói: “Đây là khu chợ có quy mô lớn nhất thế giới. Chất lượng không được tốt lắm nhưng giá cả thì rất ổn”.

Khu chợ nằm trên diện tích 4 triệu m2 và vẫn đang được mở rộng. Các quan chức Nghĩa Ô tự hào khi nói rằng phải mất cả năm mới có thể ghé thăm hết hơn 62.000 gian hàng trong chợ, ngay cả khi bạn chỉ dành cho mỗi gian hàng ba phút.

Tấm biển chào đón du khách tới Phú Điền vẽ hình những người đàn ông để râu, đeo mã tấu bên hông, đang trao đổi da thú với người Trung Quốc để lấy hàng lụa thêu. Ngày nay, chủng loại các mặt hàng trao đổi đã vô cùng phong phú, không còn đơn điệu như trước.

Khu chợ là một “catalogs” đủ thứ “Made in China” với hơn 1,7 triệu sản phẩm đang được bầy bán, từ đàn ghita cho tới balô, từ máy nghe nhạc iPod cho tới mi giả, máy tính netbook cho tới chảo chống dính, giầy dép và dụng cụ điện. Thương nhân người Lebanon, Bashar Wehebe, nhật xét: “Đây thực sự là một đất nước thu nhỏ”.

Nghĩa Ô phục vụ những thương nhân như anh Wehebe, khách hàng mua khối lượng hàng chục chứ không phải hàng chục nghìn như các tâp đoàn bán lẻ Carrefour hay Wal-Mart. Lần đầu tiên người thanh niên 28 tuổi này đặt chân tới Nghĩa Ô cách đây 5 tháng. Đây là chuyến đi thứ ba của anh, với chủng loại và khối lượng các mặt hàng anh mua ngày càng tăng. Anh có kế hoạch mua ba container với 500 mặt hàng khác nhau để mang về bán tại quê nhà.

Các thương nhân Arập phụ thuộc vào hướng dẫn viên và phiên dịch người Trung Quốc để biết đường và thương thảo hợp đồng. Theo kết quả khảo sát thị trường lao động công bố hồi tháng 11/2008, hơn 60% công ty ở Nghĩa Ô khi tuyển nhân viên đều ra điều kiện phải thông thạo tiếng Arập.

Ông Simpfendorfer, người đã dẫn chứng mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa Trung Quốc với thế giới Arập trong cuốn sách “Con đường tơ lụa mới”, nhận định “hiện có xu hướng cho rằng quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Trung Đông chỉ vì dầu, nhưng không phải như vậy”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục