Các hội nghị kinh tế ASEAN và đối tác ở Đà Nẵng

Các cuộc Tham vấn Mekong-Nhật Bản; AEM-MOFCOM; AEM-Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản... đã diễn ra ở Đà Nẵng.
Trong khuôn khổ Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN lần thứ 4, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 42, ngày 26/8, các cuộc Tham vấn Mekong-Nhật Bản; AEM-Bộ Thương mại và Ngoại thưởng Trung Quốc (MOFCOM); AEM-Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI); AEM- Bộ Kinh tế Hàn Quốc (ROK); tham vấn AEM+ 3; AEM+ 3- Hội đồng Kinh doanh Đông Á; AEM- CER đã diễn ra tại thành phố Đà Nẵng.

Tại Hội nghị Tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN-Trung Quốc lần thứ 9, các bộ trưởng hoan nghênh việc hoàn thành Khu vực Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) từ ngày 1/1/2010, với việc thuế suất đối với 97% các mặt hàng thuộc danh mục thông thường giữa các nước ASEAN-6 (Bruney, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan) và Trung Quốc đã được xóa bỏ.

Hơn 89% sản phẩm hiện nay đã được trao đổi tự do giữa ASEAN-6 và Trung Quốc. Các bên còn lại của ACFTA cũng đang thực hiện cam kết giảm thuế theo các thời hạn quy định trong Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Trung Quốc.

Hội nghị cũng ghi nhận kết quả của Diễn đàn Khu vực Thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN tổ chức tại thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc ngày 7-8/1/2010 để chào mừng việc thực hiện ACFTA.

Các bộ trưởng đồng ý củng cố Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Trung Quốc cũng như thực hiện hiệp định. Các bộ trưởng thông qua Quy tắc xuất xứ các sản phẩm cụ thể đã được chuyển đổi sang HS 2007 trong ACFTA để bổ sung vào Hiệp định Thương Mại Hàng hóa ASEAN-Trung Quốc.

Các bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện Quy chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ sửa đổi và mong đợi việc ký kết Nghị định thứ 2 để sửa đổi Hiệp định Thương mại Hàng hoóaASDEAN-Trung Quốc thuộc Hiệp định Khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện ASEAN-Trung Quốc trong thời gian sớm nhất.

Các bộ trưởng hoan nghênh đề xuất của Trung Quốc tổ chức Hội thảo về Thanh toán Thương mại xuyên biên giới bằng đồng Nhân dân tệ để thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại ASEAN-Trung Quốc.

Các bộ trưởng hoan nghênh tiến triển tích cực của nghiên cứu khả thi về Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng do Nhóm chuyên gia chung thực hiện và mong muốn nghiên cứu khả thi này được hoàn thành càng sớm càng tốt.

Tại Hội nghị Tham vấn Bộ trưởng ASEAN-Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản lần thứ 16, các Bộ trưởng hài lòng ghi nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản vào ASEAN không bị ảnh hưởng do cuộc khủng hoảng toàn cầu với sự tăng trưởng từ 4,7 tỷ USD năm 2008 lên 5,3 tỷ USD năm 2009, tương đương gần 14%. Nhật Bản vẫn là một nguồn đầu tư nước ngoài quan trọng, chiếm tỷ lệ 13,4% tổng vốn đầu tư vào ASEAN năm 2009.

Các bộ trưởng cũng ghi nhận những kết quả đã đạt được trên các lĩnh vực đã cam kết tại Hiệp định Hợp tác Kinh tế Toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP); Hợp tác kinh tế ASEAN-Nhật Bản; Sáng kiến Cộng đồng thông minh; Kế hoạch An toàn Hoá học bền vững Châu Á; Sáng kiến Kinh tế Tri thức châu Á; Triển vọng tương lai của Hợp tác kinh tế Nhạt Bản- ASEAN; Uỷ ban Hợp tác Kinh tế và Công nghiệp ASEAN-Nhật Bản.

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế công nghiệp Mekong-Nhật Bản lần thứ 2, các bộ trưởng chào đón các khuyến nghị của giới doanh nghiệp đối với sáng kiến hợp tác Kinh tế Công nghiệp Mekong-Nhật Bản đã được trình bày ngày 25/8/2010 tại Diễn đàn Đối thoại Chính phủ doanh nghiệp Mekong-Nhật Bản.

Các bộ trưởng đã thảo luận và thông qua Kế hoạch hành động thực hiện Sáng kiến hợp tác Kinh tế Công nghiệp Mekong-Nhật Bản.

Các bộ trưởng nhất trí Kế hoạch hành động thực hiện Sáng kiến hợp tác Kinh tế Công nghiệp Mekong-Nhật Bản sẽ được báo cáo lên lãnh đạo tại Hội nghị Thượng đỉnh Mekong-Nhật Bản lần thứ 4 dự kiến tổ chức vào tháng 10/2010 tại Hà Nội./.

Văn Sơn (TXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục