Để UPCoM thành phiên chợ chứng khoán sôi động

Trải qua 6 tháng hoạt động, thị trường giao dịch chứng khoán doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) chưa thu hút được nhiều sự quan tâm từ các thành viên trên thị trường trong khi đã cho thấy những mặt hạn chế. Để thị trường này thực sự sôi động, trong năm tới Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội sẽ tiến hành một loạt giải pháp cải thiện về điều kiện, phương thức giao dịch, theo hướng thuận tiện hơn cho các công ty đại chúng.
Năm 2009 đánh dấu sự ra đời của thị trường giao dịch chứng khoán doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết (UpCOM). Trải qua 6 tháng hoạt động, UPCoM chưa thu hút được nhiều sự quan tâm từ các thành viên trên thị trường trong khi đã cho thấy những mặt hạn chế tại đây.

Trước thềm năm mới 2010, Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, về hoạt động của thị trường UPCoM thời gian qua và các giải pháp sẽ được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội triển khai trong thời gian tới để giúp UPCoM thực sự trở thành phiên chợ chứng khoán sôi động.

Bà có những đánh giá như thế nào về hoạt động của thị trường UPCoM sau 6 tháng chính thức đi vào hoạt động?

Bà Hoàng Lan: Thị trường UPCoM chính thức khai trương và đi vào hoạt động từ ngày 24/6/2009 với 10 cổ phiếu đăng ký giao dịch đầu tiên. Cho tới nay đã có tổng số 30 mã cổ phiếu đăng ký giao dịch, tổng giá trị đạt 2.950 tỷ đồng, mức vốn hóa thị trường là 3.800 tỷ đồng. Số lượng công ty chứng khoán thành viên trên thị trường UPCoM là 83 đơn vị. Hầu hết các thành viên đều tuân thủ chặt chẽ các quy định giao dịch trên thị trường.

Sau 6 tháng triển khai, hệ thống giao dịch UPCoM hoạt động ổn định, suôn sẻ, an toàn. Khối lượng giao dịch bình quân đạt gần 400.000 cổ phiếu và giá trị giao dịch bình quân phiên là 3,5 tỷ đồng. Phiên giao dịch có giá trị giao dịch lớn nhất là  19,88 tỷ đồng. Hầu hết các cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM đều cải thiện được tính thanh khoản so với trước khi tham gia thị trường. Đặc biệt có một số cổ phiếu trên thị trường UPCoM đã thu hút được sự quan tâm lớn của công chúng đầu tư như VDS, TAS, APS, HIG ...

Tuy nhiên, thị trường UPCoM vẫn chưa sôi động như kỳ vọng của công chúng đầu tư. Phương thức giao dịch thỏa thuận cũng được đánh giá là chậm hơn so với khớp lệnh liên tục nên tính thanh khoản của thị trường chưa cao.

Sang năm 2010, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội có kế hoạch  thu hút các doanh nghiệp đại chúng tham gia vào thị trường UPCoM như thế nào?

Bà Hoàng Lan: Hiện tại, số lượng công ty đại chúng (hàng hóa) tham gia trên thị trường UPCoM còn chưa nhiều so với tiềm năng. Sau thời gian hoạt động thử nghiệm, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã tiến hành rà soát và sẽ áp dụng những bước cải tiến, điều chỉnh cần thiết, nhằm tạo điều kiện cho việc giao dịch trên thị trường.

Cụ thể, Sở đã có công văn trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính đề xuất  một số giải pháp cải thiện. Thay dổi, điều chỉnh điều kiện đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM theo hướng thuận tiện hơn cho các công ty đại chúng. Cải tiến phương thức giao dịch, áp dụng phương thức giao dịch khớp lệnh liên tục, phục vụ nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư một cách linh hoạt hơn. Về lâu dài, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội sẽ nghiên cứu để có thể áp dụng một số phương thức giao dịch mới, phù hợp với cơ chế nhà tạo lập thị trường khi thị trường đã có đủ điều kiện để triển khai.

Thay đổi một số qui định của thị trường UPCoM, nhằm tăng tính hấp dẫn, khuyến khích các đối tượng tham gia thị trường như nới lỏng biên độ giao dịch, rút ngắn thời gian thanh toán vào sáng ngày T+3 (tạo điều kiện cho nhà đầu tư có thể giao dịch vào chiều ngày T+3). Cho phép nhà đầu tư vừa mua vừa bán cũng một loại cổ phiếu trong 1 ngày giao dịch.

Về phía Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, chúng tôi cũng sẽ tiến hành chỉnh sửa các hồ sơ, thủ tục thực hiện đăng ký giao dịch nhằm tinh giảm tối đa các thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tăng cường thực hiện các hoạt động quảng bá, giới thiệu thêm về hoạt động giao dịch của thị trường UPCoM.

Với thời hạn đăng ký cổ phiếu tập trung là 31/12, bà có thể cho biết tiến độ triển khai của các công ty đại chúng hiện nay? Điều này có ảnh hưởng gì đến việc tạo nguồn hàng cho thị trường UPCoM?

Bà Hoàng Lan: Ngày 4/6/2009, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn số 1044/UBCK-QLPH, theo đó, chậm nhất là 31/12/2009 các công ty đại chúng đã đăng ký với Ủy ban phải thực hiện việc thông báo cho Trung tâm Lưu ký Chứng khoán về kế hoạch thực hiện đăng ký, lưu ký chứng khoán tập trung.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có hai lần gửi công văn nhắc nhở tới các công ty đại chúng chưa có kế hoạch đăng ký, lưu ký tập trung, yêu cầu các công ty này thực hiện nghiêm túc việc thông báo kế hoạch tới Trung tâm Lưu ký Chứng khoán. Trường hợp các công ty đại chúng không thực hiện theo đúng lộ trình, Ủy ban sẽ có các biện pháp xử lý nghiêm theo pháp luật.

Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, đến đầu tháng 11, đã có khoảng gần 40% trong số hơn 1.000 công ty đại chúng đã đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Tuy nhiên vẫn có đến 60% số công ty đại chúng chưa có thông báo về kế hoạch đăng ký, lưu ký tập trung.

Tính đến ngày 16/12/2009, có 30 doanh nghiệp thực hiện đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM và chúng tôi cũng đã có thông báo chấp thuận đăng ký giao dịch đối với gần 10 doanh nghiệp nữa. Trong thời gian tới, các công ty đã đăng ký lưu ký tập trung sẽ có kế hoạch đăng ký niêm yết trên hai Sở giao dịch chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM.

Trong quá trình thực hiện đăng ký niêm yết, các doanh nghiệp thường gặp khó khăn ở khâu nào?


Bà Hoàng Lan: Khi công ty đại chúng có chủ trương đưa công ty tham gia đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM, về cơ bản thì điều kiện và thủ tục rất đơn giản. Thứ nhất là điều kiện tham gia thị trường UPCoM là công ty đại chúng đã thực hiện đăng ký, lưu ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán và được một công ty chứng khoán là thành viên hệ thống đăng ký giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cam kết hỗ trợ. Tuy nhiên, điều kiện này chúng tôi đang kiến nghị hủy bỏ.

Như vậy, vấn đề lớn nhất đối với công ty đại chúng là hoàn thành thủ tục đăng ký lưu ký chứng khoán theo quy định tại Trung tâm Lưu ký. Theo tôi được biết, tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán cũng đã có những hướng dẫn, quy trình, quy định rất cụ thể. Trong trường hợp công ty đại chúng nhờ các công ty chứng khoán tư vấn hoặc thay mặt làm thủ tục thì với kinh nghiệm của mình, các tổ chức này sẽ hoàn thành các thủ tục rất nhanh chóng hơn.

Khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp là công tác chốt và lập danh sách cổ đông tại thời điểm đăng ký lưu ký. Tham gia thị trường, các công ty đại chúng sẽ có khả năng tiếp cận với một kênh huy động vốn hiệu quả, quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp, nâng cao quản trị kinh doanh minh bạch theo quy luật thị trường, đặc biệt là đem lại môi trường giao dịch công khai, công bằng cho cổ đông và nhà đầu tư thì những khó khăn trên là không đáng kể./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục