Kiếm bộn nhờ phim nhập

Công ty nội kiếm bộn tiền nhờ nghệ thuật thứ bảy

Giành quyền chiếu các siêu phẩm cùng lúc với kinh đô điện ảnh cho thấy nhà phát hành phim tại VN đạt đến sự chuyên nghiệp đáng nể.
Việc giành được quyền trình chiếu các siêu phẩm gần như cùng lúc với các kinh đô điện ảnh (Avatar thậm chí còn được chiếu tại Việt Nam trước Bắc Mỹ gần 12 tiếng đồng hồ do sự chênh lệch múi giờ) cho thấy các nhà nhập khẩu và phát hành phim tại Việt Nam đã đạt đến sự chuyên nghiệp đáng nể.

Với gần 86 triệu dân nhưng mới chỉ có khoảng 10 cụm rạp đạt tiêu chuẩn quốc tế tập trung ở hai đô thị lớn nhất nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam đang là một thị trường đầy hứa hẹn cho các nhà kinh doanh phim.

Dự báo năm 2010 cũng là năm Luật Điện ảnh có hiệu lực thi hành - sẽ có thêm nhiều nhà nhập và phát hành phim ngoại mới tham gia vào thị trường. Sân chơi hứa hẹn sẽ ngày càng hào hứng.

Mùa bội thu

Năm 2009 hoàn toàn không phải là một năm ảm đạm đối với Megastar Việt Nam - “đại gia” lớn nhất nhì trong giới nhập và phát hành phim ngoại hiện nay.

Trung bình mỗi năm trước, doanh nghiệp này chỉ nhâp khoảng 40 phim, riêng năm 2009 nhập 50 phim, hầu hết là những bộ phim lớn ở thị trường Bắc Mỹ. Mỗi tháng, Mega tung ra từ 3 - 6 phim mới.

Một lãnh đạo công ty “khoe” rằng doanh nghiệp ông có quan hệ khá thân thiết với cả 2 nhà phân phối phim lớn nhất thế giới là Buena Vista International (BVI), United International Pictures; thậm chí còn xây dựng được quan hệ hữu hảo với các hãng phim khổng lồ như Universals, Paramount…

Vị lãnh đạo Megastar cũng không ngần ngại tiết lộ, tiền lời của doanh nghiệp năm 2008 đạt 7 triệu USD, năm 2009 chắc chắn còn cao hơn, trong đó chỉ riêng "Avatar" đã là “niềm kiêu hãnh triệu đô” và xem ra cơn sốt này vẫn còn chưa hạ nhiệt.

Tháng 11/2009, bộ phim Trăng non cũng do Megastar nhập về đã làm mưa làm gió trên các màn bạc.

Ngay cả tập sách “ăn theo” với tên gọi Hậu trường phim "Trăng non" của Mark Cotta Vaz do Nhà xuất bản Trẻ phát hành cũng đang gây “sốt”. Nghe nói, doanh số trung bình của Megastar tăng 30 - 50%/năm. Dễ hiểu tại sao “đại gia” này đang hối hả tìm địa điểm đầu tư thêm 2 cụm rạp chiếu phim mới và phòng chiếu phim 3D.

Không kém cạnh trong cuộc đua, Công ty Thiên Ngân (Galaxy Studio Jsc) cũng “phất” lên rất nhanh nhờ nguồn phim tốt. Bạn hàng của Thiên Ngân cũng kẻ tám lạng người nửa cân với bạn hàng “ruột” của Mega: Warner Bros, 20th Century Fox, Sony Pictures, chưa kể các đại gia từ Trung Hoa đại lục và lãnh thổ Hongkong.

Trong năm 2009, mỗi tháng Thiên Ngân cũng cho ra rạp 3 - 4 phim mới. Hãng này còn sản xuất và phát hành phim Việt chiếu rạp trong dịp Tết và phim truyền hình dài tập. Và nếu Mega trúng lớn với "Avatar" thì Thiên Ngân cũng có quyền hãnh diện với "2012 - Năm đại họa".

Theo thống kê của công ty thì doanh thu phim này ở Việt Nam đã đạt tới con số một tỷ đồng/ngày ngay hôm đầu tiên ra rạp 20/11/2009 vừa rồi.

Megastar xây rạp mới hiện đại ư? Thì Thiên Ngân cũng bắt tay với Warner Bros để đầu tư cụm rạp với phương thức phục vụ khán giả được hứa hẹn là “theo tiêu chuẩn mới, trong đó có dịch vụ dành riêng cho khán giả VIP”.

Tuy có thể coi là “lính mới” ở Việt Nam, nhưng năm 2009, Lotte Cinema (một liên doanh với Hàn Quốc) cũng đã bắt đầu được nếm những quả ngọt đầu mùa từ một số phim ăn khách của xứ sở kim chi. Công ty Bình Hạnh Đan (BHD) có “gu” phim khác, chủ yếu là phim Hongkong, Hàn Quốc cũng đang “sống khỏe”.

Tuy chỉ cho ra rạp 1 - 2 phim mới/tháng, nhưng BHD cho biết, đó là vì họ đang tập trung sản xuất phim chiếu Tết và phim truyền hình.

Muốn thu bộn tiền phải chịu chi và chịu đi

Đó là câu tổng kết ngắn gọn (tất nhiên, không dễ gì thực hiện) về bí kíp thành công của các “nhà phim”, mà có lẽ cũng là bí kíp luôn luôn đúng trong đa số trường hợp.

Đã nhiều năm nay, Thiên Ngân và BHD liên tục cử chuyên gia có năng lực “thẩm phim” và… thuyết khách (!) tham dự các liên hoan, hội chợ phim quốc tế để làm quen, mời đại diện các hãng sản xuất và phát hành phim sang khảo sát thị trường Việt Nam.

Đương nhiên, để có được những bộ phim “bom tấn”, số tiền bỏ ra không thể nhỏ. Tuy nhiên, hiện có nhiều phương thức mua phim, chọn cách nào “chắc thắng” phụ thuộc vào sự tinh nhạy và khả năng thuyết phục đối tác của doanh nghiệp.

Cách thứ nhất là hợp đồng ăn chia theo tỷ lệ, cách này công ty kinh doanh phim tại Việt Nam không phải bỏ tiền mua bản quyền.

Khi khai thác xong phim, trừ đi chi phí phát hành, doanh nghiệp Việt Nam và chủ phim sẽ phân chia lợi nhuận theo thỏa thuận trong hợp đồng. Nếu tự tin hơn, doanh nghiệp phát hành phim có thể trả một khoản tiền theo thỏa thuận cho chủ phim để mua bản quyền phim và bản in phim hoặc mua trọn bản quyền phát hành, lời ăn lỗ chịu.

Dịch vụ hỗ trợ hoàn hảo

Nhưng có phim hay, dự đoán được thị trường tốt vẫn chỉ là những điều kiện cần. Để thực sự thắng lợi về doanh thu, doanh nghiệp còn phải giỏi tổ chức các dịch vụ đi kèm nhằm tạo thêm giá trị gia tăng cho “siêu phẩm điện ảnh”, chiều lòng các khán giả thời hiện đại.

Bên cạnh việc xây dựng (và đáp ứng) một ý niệm mới về xem phim - bao gồm cả ăn xúc xích, bắp rang bơ, uống Coca, vui chơi giải trí và mua sắm trong không gian sang trọng, tiện nghi - các đại gia phát hành phim Việt Nam đã tỏ ra rất chuyên nghiệp trong việc tổ chức các sự kiện quảng bá.
 
Năm 2009, Megastar đã tiên phong trong việc mời hẳn Hoa hậu Mai Phương Thúy sang Nhật Bản để dự buổi ra mắt toàn cầu của bộ phim "Transformer: Revenge of the Fallen" (Transformer: Bại binh phục hận). Mới đây, Mai Phương Thúy lại vừa sang Hollywood để tham dự lễ ra mắt bộ phim "Trăng non".

Hoa hậu được sắp xếp tiếp cận với đạo diễn và diễn viên chính của các bộ phim và hình ảnh của những chuyến đi này tràn ngập trên các phương tiện truyền thông trong nước, tạo cho không ít khán giả trẻ tâm lý náo nức chờ đợi để rồi vỡ òa đến rạp.

Các hoạt động bên lề khác như cuộc thi hát Hannah Montana hay lễ sinh nhật cho Bella (nhân vật chính của Trăng non), thi bắn cung có thưởng nhân dịp ra mắt "Avatar"… cũng trở thành động lực đáng kể thu hút khán giả.

Thiên Ngân - nhà phát hành phim "Hary PotterHoàng tử lai" - tổ chức lễ ra mắt phim tại cụm rạp Galaxy Nguyễn Trãi (Thành phố Hồ Chí Minh) với số lượng khán giả hạn chế (200 khách) và để trở thành một trong 200 khán giả “bóc tem” phim này tại Việt Nam, khán giả chỉ cần mang một bản sách này đến đổi vé, thời gian nhận vé chỉ trong 2 giờ đồng hồ.

Dĩ nhiên, “chiêu độc” đó đã góp phần tạo nên sự chú ý của công luận và dù buổi chiếu ra mắt không thu tiền, những buổi chiếu sau đó đã đền đáp quá đủ cho nhà phát hành phim này./.

 Bài viết này được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa tạp chí Doanh nhân thuộc VCCI và Vietnam+
(Doanh nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục