Chứng khoán châu Á đi lên sau tuần giảm mạnh

Chứng khoán châu Á đã quay đầu đi lên trong phiến giao dịch đầu tuần nhờ những nỗ lực cứu đồng euro của hội nghị thượng đỉnh EU.
Các thị trường chứng khoán châu Á đã quay đầu đi lên trong phiên giao dịch đầu tuần, ngày 12/12, khi các nhà đầu tư không ngừng hoan nghênh hiệp ước tài chính mà các nhà lãnh đạo châu Âu đạt được tại hội nghị thượng đỉnh cuối tuần trước nhằm thắt chặt các quy định tài chính trong nỗ lực cứu đồng euro.

Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 1,4%, sau khi giảm 3,5% trong tuần trước.

Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 38,88 điểm, hay 2,19%, lên 1.815,28 điểm. Chỉ số S&P/ASX200 của Australia tăng 73,9 điểm, hay 1,85%, lên 4.058,2 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 117,36 điểm, hay 1,37%, lên 8.653,82 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 10,57 điểm, hay 0,06%, xuống 18.575,66 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 23,73 điểm, hay 1,02%, xuống 2.291,55 điểm. Chỉ số weighted của Đài Loan giảm 55,74 điểm, hay 0,8%, xuống 6.949,04 điểm.

Kết thúc hội nghị thượng đỉnh hôm 9/12, có 26 trong số 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), trừ Anh, đã đạt được sự đồng thuận về một hiệp ước tài chính mới, trong đó đưa ra các kỷ luật ngân sách chặt chẽ hơn nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nợ đang đe dọa làm tan vỡ khu vực đồng euro (Eurozone) và đẩy kinh tế toàn cầu vào một cuộc suy thoái mới.

Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng nhất trí bơm 200 tỷ euro (267 tỷ USD) cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế thông qua các khoản vay song phương để quỹ này trợ giúp các nước Eurozone đang có vấn đề về tài chính. Bên cạnh đó, hội nghị đã đề cập tới việc sớm áp dụng Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) với năng lực cho vay 500 tỷ euro thay thế Quỹ Ổn định Tài chính châu Âu (EFSF) vào tháng 7/2012.

Các nhà phân tích cho rằng hiệp ước mới sẽ tạo tiền đề cho những cải thiện trong vấn đề nợ của các nước Eurozone trong trung hạn. Một số nhà lãnh đạo khu vực hy vọng hiệp ước này có thể thuyết phục Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sử dụng mọi nguồn lực cho cuộc chiến chống khủng hoảng nợ, sau khi Chủ tịch ngân hàng này Mario Draghi tuần trước kêu gọi về một hiệp ước tài chính mới.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng mặc dù châu Âu đã tránh được nguy cơ sụp đổ, song điều này không có nghĩa khu vực này đã thoát khỏi những khó khăn trong ngắn và trung hạn. Nhiều nhà phân tích đặt ra câu hỏi liệu châu Âu sẽ huy động tiền từ đâu cho việc thực hiện các cam kết và liệu hiệp ước mới có được thực thi vào tháng 3 như dự định. Thêm vào đó, những quy định mới sẽ không giúp các nước như Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha giảm nợ ngay, khi chi phí vay mượn của các nước này đã tiến gần đến các mức được coi là "không thể chịu đựng được."

Bên cạnh đó, việc ESM sẽ không được cấp giấy phép để tiếp cận các nguồn vốn lãi suất thấp từ ECB đã đặt chính sách tiền tệ của ECB vào sự chú. Một vấn đề được nêu ra là liệu ngân hàng này có sẵn lòng mua đủ lượng trái phiếu của các nước mắc nợ để giảm lãi suất xuống hay không. Việc ECB miễn cưỡng với vai trò là nhà cho vay ứng cứu cuối cùng cũng đang ảnh hưởng đến lòng tin của các nhà đầu tư.

Tại hội nghị vừa qua, mong muốn của Đức trong vấn đề sửa đổi Hiệp ước Lisbon đã không thành, do vấp phải sự phủ quyết từ Thủ tướng Anh David Cameron sau khi đề nghị miễn trừ một số quy định về dịch vụ tài chính để bảo vệ các ngân hàng và trung tâm tài chính của London mà ông đưa ra bị bác bỏ.

Quyết định của Anh đã có những tác động nhất định lên tâm lý các nhà đầu tư, trong khi sự tập trung chú ý cũng đang dồn vào hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's, khi hãng này tuần trước cảnh báo sẽ hạ xếp hạng của hàng loạt nước Eurozone nếu khu vực này không đưa ra được một kế hoạch giải cứu đồng tiền chung. Standard & Poor's dự định đưa ra đánh giá về hiệp ước mới của châu Âu trong tuần này.

Trong khi đó, một hãng xếp hạng lớn khác là Moody sẽ xem xét lại xếp hạng của tất cả các nước EU trong quý I năm tới, khi khu vực này đang thiếu những chính sách mạnh mẽ./.

Lê Minh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục