Tái diễn quảng cáo bằng loa đài trên phố Hà Nội

Cùng với sự “mở rộng” của Thủ đô, hình thức quảng cáo ca nhạc bằng loa đài đã xâm nhập các đường phố Hà Nội, khiến không ít người dân bức xúc.
Cùng với sự “mở rộng” của Thủ đô, dường như có một hình thức quảng cáo ca nhạc mới đã xâm nhập các đường phố Hà Nội, gây cho người nghe một cảm giác bức xúc: quảng cáo bằng loa, đài, với một giọng đọc... có một không hai!

Đã có một thời, trên nhiều đường phố Hà Nội ra rả tiếng loa phát ra từ những chiếc xe đạp của những người bán báo dạo, bán bẫy dính chuột, thuốc tẩy dạo. Tiếng loa chát chúa, với những lời rao đôi khi phản cảm đã gây bức xúc cho người dân Thủ đô thanh lịch. Và ngành văn hóa Hà Nội đã phải ra tay để dẹp nạn loa dạo này.

Cứ tưởng thế là yên, nhưng thật bất ngờ khi tới cả gần nửa năm nay, trên một số đường phố của Hà Nội, bắt đầu xuất hiện - ban đầu còn lác đác và e dè, giờ thì có phần khá phổ biến, công khai và “lấn tới” của những chiếc loa gắn trên xe ôtô, xe máy, taxi... giới thiệu các chương trình ca nhạc với những ngôi sao nổi tiếng, những danh hài... mà chẳng ai biết đến tên!

“20 giờ tối nay... hấc hấc... 20 giờ tối nay... hấc hấc... tại Triển lãm Giảng Võ... hấc hấc... tại triển lãm Giảng Võ... hấc hấc... chương trình ca nhạc với sự hiện diện của... hấc hấc... những ngôi sao ca nhạc nổi tiếng... hấc hấc... vé có bán trước... hấc hấc... phục vụ bà con.. hấc hấc... vé có bán trước...”.

Người dân khu vực đường Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy... thì đã quá quen với tiếng rao như vậy, bởi với nhu cầu phục vụ đối tượng sinh viên, và các đối tượng “ven đô”, nên các chương trình ca nhạc “tầm tầm” do những ông bầu (cũng không ai biết tên tuổi) đứng ra tổ chức, với sự hiện diện của những ngôi sao ca nhạc tự phong, khi xuất hiện thì ai cũng thấy lạ hoắc... đã xuất hiện khá thường xuyên tại sân khấu Triển lãm Nông nghiệp - đường Hoàng Quốc Việt.

Và, để quảng bá cho chương trình “vô danh” này của mình, các ông bầu chọn hình thức: thuê một chiếc ôtô cũ kỹ hoặc tệ hơn là một chiếc xe máy, gồm 2 thanh niên đèo nhau, có gắn thêm một chiếc loa thật to, mở hết cỡ, ra rả đọc thông tin về chương trình. Quảng cáo chương trình thì đã đành, nhưng cái giọng “quảng cáo” thì thật vô cùng phản cảm.

Không hiểu có phải vì muốn gây cảm giác mạnh mà người thanh niên đọc quảng cáo cứ cố tình nấc lên trong mỗi câu, càng nấc nhiều càng tốt. Và thế là, cộng tiếng loa vốn đã rè, lời lẽ vốn đã ít văn hóa, những tiếng “nức nở ẽo uột” càng khiến người nghe khó chịu hơn.

Có lẽ, không thể dùng từ nào đúng hơn là: "thiếu văn hóa" - như nhiều người đi đường đã bức xúc thốt lên.

Nhưng, chuyện không dừng ở đó, thời gian gần đây, cùng với việc chuyển “địa bàn” của những chương trình ca nhạc này về địa điểm to đẹp hơn là triển lãm Giảng Võ, thì địa bàn hoạt động của những chiếc loa quảng cáo này cũng... lấn tới hơn: những cung đường Nguyễn Chí Thanh, Kim Mã - những tuyến phố lớn của quận Ba Đình cũng đã bắt đầu bị tra tấn bởi tiếng loa vào mỗi buổi chiều, nhất là giờ tan tầm.

Vẫn tiếng loa to hết cỡ chát chúa, vẫn giọng đọc "nức nở ẽo uột", vẫn những nội dung quảng cáo nhạt nhẽo và “phản cảm”; khiến người đi đường ban đầu là bất ngờ vì cái hình thức quảng cáo vốn chỉ tồn tại ở các thôn quê đã “ra phố”, sau đó là bất bình và có phản ứng. Rất nhiều người dân trên phố Kim Mã đã bức xúc mà rằng: sao có thể để tồn tại kiểu rao loa thiếu văn hóa như vậy trên những phố lớn của Hà Nội được!

Có lẽ, đã đến lúc không thể coi việc quảng cáo bằng loa này là hiện tượng “không phổ biến” khi giờ đây “nạn dịch” này đã bắt đầu lây lan tới nhiều phố lớn của một quận cũng lớn của Hà Nội. Không thể chờ tới khi tiếng loa và những chiếc xe quảng cáo này chạy vòng quanh Bờ Hồ như với vấn nạn loa bán báo, loa bán thuốc dạo... trước đây mới coi là vấn nạn để dẹp.

Đã đến lúc ngành văn hóa Hà Nội cần vào cuộc, để kiểm tra và có hình thức xử phạt việc quảng cáo phản cảm và chắc chắn không có sự cho phép nói trên. Bên cạnh đó, cũng cần thẩm định lại chất lượng của những chương trình ca nhạc được quảng cáo kiểu này./.

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục