Nhật quan tâm dự án đường bộ cao tốc Việt Nam

Hơn 150 đại diện tổ chức kinh tế, tập đoàn lớn Nhật dự Hội thảo về Phát triển Đường cao tốc Việt Nam, tổ chức chiều 19/5, tại Tokyo.
Hơn 150 đại diện của các tổ chức kinh tế và các tập đoàn lớn của Nhật Bản đã tới tham dự Hội thảo lần thứ tư về Phát triển Đường cao tốc Việt Nam, tổ chức chiều 19/5, tại thủ đô Tokyo.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Ngô Thịnh Đức cho biết Chính phủ Việt Nam đã quy hoạch hệ thống đường cao tốc gồm 22 tuyến, với tổng chiều dài hơn 5.870km và tổng số vốn đầu tư lên tới gần 48 tỷ USD.

Nếu chỉ trông chờ vào các nguồn vốn của Chính phủ và vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA), việc phát triển kết cấu hạ tầng sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc kêu gọi các nguồn đầu tư dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có hình thức đối tác công-tư (PPP) hết sức cần thiết.

Diễn đàn Hệ thống Cơ sở Hạ tầng Đường bộ Việt Nam cũng được tổ chức  ngày 19/5 với sự tham gia của gần 250 đại diện của các công ty Nhật Bản, trong đó có nhiều nhà thầu xây dựng lớn và các công ty hoạt động trong các lĩnh vực quản lý, bảo trì và bảo dưỡng đường cao tốc.

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch JETRO Michitaka Nakatomi cho biết một hệ thống đường bộ phát triển là yếu tố quan trọng đối với các doanh nghiệp Nhật Bản.

Hơn thế nữa, xét từ quan điểm kinh doanh, xây dựng đường bộ hay các hoạt động kinh doanh khác liên quan như quản lý hệ thống đường cao tốc công nghệ cao như điều khiển giao thông và thu lệ phí, đều là các cơ hội tốt cho doanh nghiệp Nhật Bản.

Cùng chung quan điểm với Chủ tịch Nakatomi, ông Koichi Takano, Phó Trưởng Đại diện Văn phòng JETRO ở Hà Nội, nhấn mạnh những lợi thế của Việt Nam như tốc độ tăng trưởng kinh doanh cao, thị trường lớn và đầy hứa hẹn, chi phí đầu tư thấp hơn so với các nước khác trong khu vực.

Ông Takano cũng khẳng định đối với Nhật Bản, Việt Nam là một đối tác kinh doanh rất hấp dẫn. Trong tương lai, cơ hội kinh doanh sẽ ngày càng tăng lên.

Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức giải thích với các nhà đầu tư Nhật Bản về mô hình PPP trong đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng ở Việt Nam. Ông cũng cho biết Chính phủ Việt Nam đang xây dựng khung pháp lý cho mô hình này.

Theo dự thảo chính sách đối với PPP mà Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đã trình Thủ tướng Chính phủ, Nhà nước sẽ tham gia một phần vốn của dự án thông qua tiền lập dự án và giải phóng mặt bằng, trong khi các nhà đầu tư tư nhân sẽ được quyền khai thác độc quyền trên hành lang bảo vệ của công trình như xây dựng khu dân cư và khu đô thị, sử dụng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bất động sản đó để bù đắp chi phí đầu tư xây dựng đường.

Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức còn cho biết thêm hiện nay Chính phủ Việt Nam đang triển khai thí điểm hai dự án theo mô hình PPP là dự án cảng quốc tế Lạch Huyện ở thành Phố Hải Phòng và dự án đường cao tốc giữa Ninh Bình-Thanh Hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục