Hạ viện Mỹ siết chặt quy định về khai thác dầu khí

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cải cách các quy định đảm bảo an toàn khai thác dầu khí ngoài khơi và bảo vệ người lao động ngành này.
Sau vụ tràn dầu trên Vịnh Mexico đe dọa nghiêm trọng nền kinh tế, hệ sinh thái biển nhiều bang duyên hải nước Mỹ và ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của chính quyền, Hạ viện Mỹ ngày 30/7 đã thông qua dự luật cải cách các quy định đảm bảo an toàn khai thác dầu khí ngoài khơi và bảo vệ người lao động ngành này.

Dự luật được Nhà Trắng ủng hộ bao gồm các quy định an toàn như yêu cầu phải có các giấy chứng nhận riêng rẽ về chất lượng của phương tiện khai thác-thăm dò, tăng cường hoạt động thanh tra, đồng thời đưa ra các chế tài xử phạt cứng rắn đối với những đối tượng vi phạm.

Ngoài ra, văn kiện cũng cấm cơ quan chức năng cấp phép khai thác thăm dò mới cho các hãng không đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn trong thời gian bảy năm.

Dự luật trên, được thông qua với 209 phiếu ủng hộ và 193 phiếu chống, cũng yêu cầu tái cơ cấu Cơ quan Quản lý khoáng sản (MMS), vốn bị chỉ trích là đã quá buông lỏng việc thực thi các tiêu chuẩn an toàn đối với hoạt động khoan dầu ngoài khơi và có quan hệ quá gần gũi với các công ty thuộc sự quản lý của mình.

Ngoài ra, Hạ viện Mỹ cũng đồng thời thông qua một dự luật khác bảo vệ quyền lợi của người lao động tại các hãng khai thác dầu khí, đặc biệt trong các vấn đề liên quan tới sức khỏe và an toàn lao động.

Văn kiện này cấm các công ty sa thải hoặc trừng phạt người lao động khi họ thắc mắc về an toàn lao động.

Liên quan tới các nỗ lực khắc phục sự cố tràn dầu của tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới BP (Anh), ngày 30/7, giám đốc điều hành tương lai của hãng này, ông Bop Dudley, cam kết BP sẽ sát cánh cùng người dân các vùng biển bị ảnh hưởng của Mỹ trong những năm tới.

Phát biểu trong chuyến thị sát Vịnh Mexico đầu tiên kể từ khi được chỉ định làm giám đốc điều hành hồi đầu tuần, ông Dudley nêu rõ trong hai tuần qua BP đã ngăn được dầu rò rỉ ra biển và cho biết hãng đang chuyển hướng sang mục tiêu khắc phục hậu quả kinh tế và môi trường dài hạn.

Ngày 1/10 tới, ông Dudley sẽ chính thức tiếp quản chức Giám đốc điều hành BP của ông Toni Hayward, người đã đệ đơn từ chức. Hiện ông là người chịu trách nhiệm giám sát hoạt động khắc phục sự cố tràn dầu của BP.

Vụ nổ và chìm giàn khoan Deepwater Horizon do BP quản lý khai thác ở Vịnh Mexico cách đây hơn ba tháng đã khiến tập đoàn khổng lồ này chao đảo mạnh, phải thay giám đốc điều hành và bán bớt tài sản nhằm khôi phục hình ảnh đã bị hủy hoại do vụ tràn dầu và lành mạnh hóa công việc kinh doanh.

Ước tính hơn 5 triệu thùng dầu của BP đã chảy ra biển, khiến hãng bị thất thoát khoảng 40% (tức 60 tỷ USD) giá trị thị trường.

BP đã thua lỗ 17 tỷ USD trong quý 2/2010 sau khi thiết lập quỹ dự phòng hơn 32 tỷ USD. T

Tính đến nay, hãng đã tiêu tốn tới 3,5 tỷ USD để khắc phục sự cố, trong khi số tiền bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng có thể còn lớn gấp 10 lần con số trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục