Vòng xoáy giảm giá USD

Vòng xoáy giảm giá đồng USD trong cuộc chơi tiền tệ

Nếu tính cả yếu tố lạm phát, giá trị đồng bạc xanh USD trong thập kỷ qua đã mất hơn một phần tư giá trị so với các đồng tiền khác.
Tuy có lúc thăng lúc trầm, nhưng xu hướng đi xuống hiện nay của đồng USD đang ngày càng trở nên rõ nét.

Nếu tính cả yếu tố lạm phát, giá trị đồng bạc xanh này trong thập kỷ qua đã mất hơn một phần tư so với giá trị các đồng tiền khác. Đồng USD giảm xấp xỉ 5% từ đầu năm 2011 đến nay, tương đương với mức thấp nhất kể từ khi cơ chế tỷ giá hối đoái gắn với Hệ thống tiền tệ Bretton Woods bị sụp đổ vào năm 1973.

Suy yếu ... Vì sao?

Đồng USD suy yếu là do chính sách lãi suất ở mức gần 0% của Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), khuyến khích các nhà đầu tư chuyển từ đồng USD sang các ngoại tệ khác có lãi suất cao hơn. FED cố tình duy trì chính sách lãi suất thấp để thúc đẩy đà phục hồi kinh tế từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009.

Chính sách này đang làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ các cường quốc kinh tế mới nổi lên ở Mỹ Latinh và châu Á, cho rằng chính sách tiền tệ của Mỹ đang thổi bùng lạm phát trên toàn cầu và làm hỏng những nỗ lực nhằm tái cân bằng nền kinh tế thế giới.

Các nhà phê bình của FED cũng phàn nàn ngân hàng trung ương Mỹ đang làm giảm giá trị đồng USD, làm xói mòn sức mua của tiền tệ cũng như chất lượng cuộc sống của người Mỹ. Thậm chí tồi tệ hơn, FED còn đang đùa với lửa.

Họ cũng cảnh báo rằng sự thất bại của FED trong việc bảo vệ đồng USD có thể làm bùng lên cuộc khủng hoảng về lòng tin. Ở một vài khía cạnh, sự buông lỏng đồng USD yếu của FED thể hiện sự thiếu cam kết để ổn định giá. Các nhà đầu tư nản lòng sau đó sẽ bán tháo trái phiếu Kho bạc Mỹ. Lãi suất trái phiếu sẽ tăng lên vùn vụt và đồng USD sẽ tụt dốc. Đây chính là dấu hiệu về hiểm họa tài chính và một cuộc suy thoái sâu sắc.

Tuy nhiên, cũng có những quan điểm cho rằng những câu chuyện giật gân trên chỉ nhằm thu hút độc giả, chứ sự thật là tất cả vấn đề của FED đang bị cường điệu hóa. Xét trong quá trình lịch sử, đồng USD giảm giá 10% cũng chỉ tương đương với mức tăng 1 điểm phần trăm lạm phát. Điều đó có nghĩa, cho đến nay đồng USD giảm giá 5% thì sẽ chỉ tăng thêm 0,5 điểm phần trăm tỷ lệ lạm phát.

Và không hẳn là lạm phát Mỹ nằm ngoài tầm kiểm soát. Giá thực phẩm và nhiên liệu có thể tăng, nhưng chi phí lao động thì tiếp tục ổn định, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn ở mức không có gì đáng ngạc nhiên là 9%. Trong hoàn cảnh này, FED có đủ khả năng để giữ lập trường buông lỏng đồng USD.

Nếu đồng USD bị đe dọa, thì lý do không chỉ từ chính sách tiền tệ, mà còn từ mặt tài chính. Với nhu cầu nội địa vẫn thấp, thì nhu cầu xuất khẩu nhiều hơn là yêu cầu duy nhất của “bác sỹ” đối với nền kinh tế “thiếu máu.”

Và đồng USD yếu đi là một cách để cứu lấy lĩnh vực xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Những báo cáo kết quả kinh doanh được công bố mới đây cho thấy đồng USD giảm giá đang giúp các công ty của Mỹ thuận lợi hơn trong việc bán dược phẩm, hóa chất và thực phẩm tại các thị trường nước ngoài.

Một người giấu tên từng là chuyên gia kinh tế của chính quyền Obama đã kết luận: “Tôi không tin Chính phủ Mỹ đang tích cực thúc đẩy chính sách đồng USD yếu, nhưng tôi cho rằng thực tế lãi suất đứng ở mức thấp và Mỹ quyết liệt thực hiện các chương trình nới lỏng tiền tệ đang làm giảm giá đồng USD. Đây chắc chắn là cơ chế mà trên thực tế sẽ dẫn tới một chính sách đồng USD yếu.”

Giới chức nói gì?

Không một quan chức nào trong chính quyền Obama có thể chính thức xác nhận đồng USD đang suy yếu. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc cho phép đồng USD giảm giá từ từ không phải là một chính sách đáng lo ngại, trừ khi sự sụt giảm này diễn ra với tốc độ mạnh.

C. Fred Bergsten, Giám đốc Viện Peterson ở Washington, nói: “Đây là một phần thiết yếu đối với cả việc tái cân bằng toàn cầu và tái cân bằng ở trong nước, vì người Mỹ đều nhất trí cần phải giảm sự phụ thuộc vào chi tiêu tiêu dùng dựa vào vay mượn mà thay vào đó phải dựa nhiều hơn vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng.”

Ông Bergsten, đồng thời là chuyên gia trong lĩnh vực chính sách hối đoái, lưu ý đồng USD liên tục giảm giá trong suốt 9 năm qua, ngoại trừ một vài đợt tăng ngắn ngủi khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra vào năm 2008 và năm ngoái khi cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu bột phát.

Trong khi ông Ben Bernanke - chủ tịch FED tỏ ý tôn sùng bùa may mắn để mong “đồng USD mạnh lên” tại cuộc họp báo gần đây, thì FED lại rất vui mừng khi thấy loại tiền này có xu hướng giảm xuống. Hơn nữa, những nhà phê bình luôn cảnh báo FED không nên tăng tỷ lệ lãi suất nếu lạm phát tăng lên, mà họ không hiểu rằng FED cố ý để lạm phát sâu hơn.

Trên thực tế, FED đang tiến hành giám sát kỹ lưỡng về khía cạnh chính trị, nhưng chắc chắn sẽ mất đi cơ hội thiết lập lại tính chân thật của việc ổn định giá cả. Thậm chí nếu những rào cản trước mắt có thể khắc phục được, thì Mỹ vẫn sẽ giới hạn thời gian để đưa ngân sách quốc gia vào khuôn khổ.

Nếu Quốc hội mải mê tham gia tranh giành quyền lực chính trị có thể sẽ quên không nâng trần nợ, gây ra tình trạng vỡ nợ về mặt kỹ thuật. Một vài nhà phê bình cho rằng sự sụp đổ của trái phiếu Kho bạc Mỹ và đồng USD không giống nhau.

Trên các thị trường tài chính, các chủ thể tham gia cho rằng đồng USD sẽ tiếp tục giảm giá, một phần liên quan tới những nghi ngờ rằng chính quyền Obama và các thành viên đảng Cộng hòa đối lập có thể nhất trí với nhau về biện pháp giảm thâm hụt ngân sách đang ngày càng phình to.

Mohamed El-Erian, đồng trưởng ban đầu tư của công ty quản lý trái phiếu PIMCO hiện quản lý số tài sản trị giá 1.200 tỷ USD, nói: “Lịch sử và nền kinh tế học cho thấy lập trường chính sách tài khóa và tiền tệ hiện nay của Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép lên đồng USD.”

Trong khi đó, nhà đầu tư có tầm ảnh hưởng lớn Jim Rogers cảnh báo giới đầu tư sẽ ngừng mua vào các công cụ nợ có độ rủi ro ngày càng tăng của Chính phủ Mỹ ngay cả khi lãi suất tăng cao từ các mức hiện nay. Ông nói: “Đến một lúc nào đó, mọi người sẽ nhận ra rằng sẽ là ngớ ngẩn nếu cho Chính phủ Mỹ vay tiền trong 30 năm bằng đồng USD với mức lãi suất 3,4,5 hay 6%.”

Tuy nhiên với những bằng chứng về các vấn đề sâu sắc trong thị trường tài chính Mỹ, các ngân hàng toàn cầu bắt đầu tìm kiếm những cách khác để hỗ trợ tài chính cho bản thân họ. Như vậy, thời kỳ đồng USD mạnh sẽ bị thu ngắn lại. Kết quả sẽ là cơn ác mộng tồi tệ nhất của FED.

Với việc tăng lãi suất trái phiếu Kho bạc và hoạt động kinh tế suy sụp, FED muốn cắt giảm tỷ lệ lãi suất và bơm thêm tiền vào thị trường cần thanh toán. Nhưng cùng lúc đồng USD lại càng giảm giá, đồng nghĩa với lạm phát cực kỳ cao, đòi hỏi FED phải thắt chặt chính sách tiền tệ. FED có thể làm gì hơn để giải quyết các vấn đề của kinh tế Mỹ trong tình thế tiến thoái lưỡng nan như vậy.

Ông Bernanke thường xuyên cảnh báo về hậu quả thảm khốc nếu không đối mặt với các vấn đề tài chính của đất nước hiện nay. Thông thường các cuộc khủng hoảng tài chính hay xảy ra trong khoảng thời gian bầu cử. Mỹ cũng có khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng lớn vào cuối năm 2012. Do đó đã đến lúc Quốc hội Mỹ cần quan tâm đến điều này một cách nghiêm túc./.

Tố Uyên (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục