Mỹ tuyên bố "thảm họa ngư nghiệp" do vụ tràn dầu

Chính phủ Mỹ ngày 24/5 tuyên bố tình trạng "thảm họa ngư nghiệp" tại Louisiana, Mississippi và Alabama do tràn dầu tại Vịnh Mexico.
Chính phủ Mỹ ngày 24/5 tuyên bố tình trạng "thảm họa ngư nghiệp" tại các bang Louisiana, Mississippi và Alabama do sự cố tràn dầu tại Vịnh Mexico.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gary Locke nhấn mạnh, chính phủ đưa ra hành động này do những khó khăn kinh tế nghiêm trọng tiềm ẩn có thể ảnh hưởng tới ngư dân, các doanh nghiệp và những cộng đồng sống phụ thuộc vào nghề đánh bắt hải sản.

Theo ông Locke, tuyên bố trên sẽ là điều kiện để chính phủ liên bang huy động đầy đủ các hỗ trợ mà ngư dân và cộng đồng người sống nhờ nghề cá có thể cần đến.

Các bang thuộc khu vực Vịnh Mexico, như bang Louisiana có ngành công nghiệp hải sản trị giá 2,4 tỷ USD, cung cấp tới 40% lượng hải sản cho thị trường Mỹ và tuyển dụng hơn 27.000 nhân công, đã không thể tiếp cận nhiều ngư trường do hàng trăm nghìn lít dầu rò rỉ ra vùng biển này sau vụ nổ và chìm giàn khoan nước sâu Horizon do Tập đoàn xăng dầu khổng lồ BP của Anh thuê xảy ra hồi tháng trước.

Washington đang chịu sự chỉ trích ngày càng tăng về phản ứng sau thảm họa tràn dầu, cũng như bị áp lực phải nắm quyền kiểm soát vụ này thay BP. Cho đến nay, hầu hết thông tin về vụ tràn dầu cũng như các biện pháp bịt giếng dầu bị phun trào đều do BP đưa ra. Điều này dẫn đến những cáo buộc Chính phủ Mỹ phụ thuộc quá nhiều vào tập đoàn Anh trong việc xử lý vụ tràn dầu.

Trong khi đó, Tập đoàn BP ngày 24/5 tuyên bố sẽ chi 500 triệu USD cho một chương trình nghiên cứu nhằm đánh giá những hậu quả đối với môi trường và hệ sinh thái ở vùng biển và khu vực ven biển thuộc Vịnh Mexico.

Trong một thông cáo, Giám đốc điều hành BP Tony Hayward cho biết, BP cam kết sẽ làm tất cả những gì có thể để giảm bớt tác động của sự cố tràn dầu đang gây ra thảm họa "thủy triều đen" nghiêm trọng ở Vịnh Mexico. Lãnh đạo BP khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để đánh giá mức độ ảnh hưởng của sự cố này.

Theo BP, chương trình nghiên cứu trên dự kiến kéo dài 10 năm. Một ủy ban độc lập sẽ chịu trách nhiệm quản lý và phân bổ nguồn vốn cho những dự án nghiên cứu của các nhóm chuyên gia về sinh vật biển và hải dương học. Đại học Tổng hợp bang Louisiana ở miền Nam nước Mỹ sẽ là tổ chức đầu tiên được nhận vốn từ chương trình này.

Trong một động thái ứng phó với thảm họa dầu loang, Quốc hội Mỹ cho biết đã sẵn sàng để tăng gấp bốn lần mức thuế đánh vào mỗi thùng dầu khai thác, lên 32 cent/thùng, để tạo khoản ngân quỹ dành cho việc dọn sạch vết dầu loang.

Theo tính toán, mức tăng thuế mới này có thể mang lại 11 tỉ USD trong thập kỷ tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục