Hy Lạp: Ba nhà tài trợ chấp nhận biện pháp khắc khổ

Bộ ba nhà tài trợ là EU, IMF và ECB đã đồng ý các biện pháp khắc khổ trị giá 8,5-9,5 tỷ euro trong gói tiết kiệm chi tiêu mà Hy Lạp đề xuất.
Sau các cuộc thương lượng kéo dài, bộ ba nhà tài trợ của Hy Lạp là Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đồng ý các biện pháp khắc khổ trị giá 8,5-9,5 tỷ euro trong gói tiết kiệm chi tiêu 11,5 tỷ euro mà Hy Lạp đã đề xuất trước đó.

Theo các quan chức Hy Lạp, các nhà tài trợ không hài lòng với về các kế hoạch tinh giản biên chế khá dè dặt của nước này vì đây vốn là điều bị cấm trong Hiến pháp. Trong khi đó, các đồng minh phái tả của Thủ tướng Antonis Samaras, vốn phản đối quyết liệt một giải pháp như vậy, sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận vào ngày 20/9.

Kế hoạch cắt giảm chi tiêu của Hy Lạp cũng bao gồm một đợt cắt giảm mới đối với lương, lương hưu cũng như giảm phúc lợi xã hội và trợ cấp cho người tàn tật. Đây là lý do có thể khiến người Hy Lạp xuống đường biểu tình trong những ngày tới.

Nếu Hy Lạp đạt được thỏa thuận với các nhà tài trợ về các biện pháp khắc khổ mới vào ngày 23/9 như hy vọng của các quan chức nước này, sự chú ý sau đó sẽ chuyển sang báo cáo của các kiểm toán viên đại diện cho bộ ba nhà tài trợ về tiến triển của Hy Lạp trong việc đáp ứng các điều khoản cứu trợ.

Báo cáo này sẽ quyết định việc Hy Lạp có thể nhận được khoản vay tiếp theo trị giá 31,5 tỷ euro hay không. Nếu nhận được khoản vay này, Hy Lạp sẽ sử dụng cho việc tái cấp vốn cho các ngân hàng, tăng thanh khoản và thanh toán nợ ở mức cao nhất có thể.

[Hy Lạp duyệt phác thảo gói tiết kiệm 11,5 tỷ euro]


Cùng với việc cắt giảm chi tiêu, Hy Lạp còn phải thúc đẩy nền kinh tế vốn đã rơi vào suy thoái trong năm thứ năm, trong lúc tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao kỷ lục.

Theo Thứ trưởng Phát triển của Hy Lạp, Notis Mitarachi, nước này cần khắc phục tệ quan liêu, đẩy nhanh việc thông qua các dự án lớn chứ không phải bán các hòn đảo để có nguồn tài chính cho việc đưa nền kinh tế trở lại tăng trưởng. Ông cho biết hiện có 7 dự án lớn, với tổng vốn đầu tư là 0,5 tỷ euro và có tiềm năng tạo ra 3.000 việc làm, đã bị ách lại nhiều tháng để chờ Quốc hội phê duyệt.

Tệ quan liêu và tham nhũng đang là những trở ngại chính cho việc kinh doanh tại Hy Lạp. Vì điều này, Hy Lạp đã tụt 7 bậc xuống thứ 90 trong 142 nước về chỉ số cạnh tranh toàn cầu.

Mục tiêu của Hy Lạp trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ phụ thuộc rất lớn vào triển vọng phục hồi nền kinh tế đang được dự báo sẽ giảm 25% vào năm 2014 so với năm 2008. Bên cạnh đó, nước này cũng cần thực hiện các cải cách cơ cấu mà theo đánh giá của các nhà tài trợ là đang diễn ra chậm chạp./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục