Hy Lạp tiếp tục biện pháp "thắt lưng buộc bụng"

Thủ tướng Hy Lạp tuyên bố tiếp tục thực thi các biện pháp "thắt lưng buộc bụng," dù hàng chục nghìn người đang biểu tình phản đối.
Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou ngày 12/9 tuyên bố tiếp tục thực thi các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" đã đề ra nhằm giảm nợ công trong bối cảnh hàng chục nghìn người đang biểu tình phản đối kế hoạch này.

Trong bài diễn văn trước các vị khách tham dự Hội chợ quốc tế Thessaloniki lần thứ 75 tại thành phố cùng tên của Hy Lạp, ông Papandreou coi việc thực hiện các biện pháp khắc khổ là "cuộc đấu tranh sinh tồn đối với Hy Lạp."

Ông cam kết sẽ chỉ đạo cuộc đấu tranh này cho dù phải trả giá về chính trị, đồng thời kêu gọi người dân Hy Lạp đồng lòng với chính phủ để đưa đất nước vượt qua những khó khăn kinh tế hiện nay.

Thủ tướng Papandreou cho biết sẽ đẩy nhanh tốc độc cải cách cơ cấu để đưa Hy Lạp thoát khỏi khủng hoảng nợ công và trở lại con đường phát triển và thịnh vượng, bao gồm việc lập lại trật tự trong khu vực bệnh viện, cải tổ ngành đường sắt đang nợ chồng chất, tự do hóa thị trường năng lượng và chấm dứt tình trạng nhà nước giữ độc quyền khu vực điện lực.

Ông cũng xác nhận các kế hoạch tự do hóa ngành vận tải đường bộ, từng là nguyên nhân dẫn đến các cuộc đình công kéo dài của các tài xế xe tải hồi tháng Bảy vừa qua.

Ông Papandreou cam kết dành 3,5 tỷ euro (4,4 tỷ USD), chủ yếu bằng nguồn cứu trợ từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để bảo vệ người thất nghiệp và các nhóm bị nhiều tác động từ khủng hoảng kinh tế-tài chính, đồng thời cho biết chính phủ sẽ nỗ lực giảm tệ quan liêu nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh, khuyến khích đầu tư, nghiên cứu, đổi mới và phát triển bền vững.

Khoảng 4.000 cảnh sát trên cả nước được huy động để bổ sung cho lực lượng đảm bảo an ninh hội chợ, trong bối cảnh khoảng 20.000 biểu tình bên ngoài nơi diễn ra sự kiện này.

Cảnh sát buộc phải dùng hơi cay giải tán các cuộc ẩu đả trong nhóm người biểu tình và bắt giữ một số đối tượng quá khích.

Kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" là biện pháp Athens phải thực hiện để đổi lấy gói cứu trợ từ EU/IMF nhằm giúp nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ. Tuy nhiên, các nghiệp đoàn Hy Lạp chỉ trích kế hoạch này giảm bớt quyền lợi của người lao động, vì thế từ đầu năm đến nay đã tổ chức sáu đợt tổng bãi công phản đối, đồng thời dọa sẽ gây bạo loạn trong những tháng tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục