"Phải đổi mới toàn diện về công tác dạy nghề"

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh phải tạo chuyển biến mạnh với sự đổi mới toàn diện về công tác dạy nghề.
Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh phải tạo ra chuyển biến mạnh với sự đổi mới toàn diện về công tác dạy nghề; dạy nghề phải phát triển nhanh, bền vững, rộng rãi ở cả nông thôn, miền núi…

Phát biểu tại cuộc thảo luận và đóng góp ý kiến cho đề cương Chiến lược phát triển dạy nghề đến năm 2020 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng, tổ chức ngày chiều 25/9, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, rà soát lại các Nghị quyết liên quan đến dạy nghề để làm rõ lại cách thức tổ chức thị trường lao động, dạy nghề.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, cùng với Chiến lược phải có báo cáo đánh giá công tác dạy nghề trong 10 năm qua; trong đó, tập trung chỉ rõ những mâu thuẫn, những vấn đề còn lạc hậu về tư duy trong dạy nghề để từ đó có giải pháp cụ thể trong Chiến lược.

Đề cập đến việc tiếp tục hoàn thiện Chiến lược, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, cần đánh giá những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình dạy nghề, làm rõ động lực phát triển dạy nghề trong thời gian qua; đánh giá nhu cầu phát triển xã hội 10 năm tới để có giải pháp cụ thể cho công tác dạy nghề.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay, mạng lưới cơ sở dạy nghề được phát triển rộng khắp 63 tỉnh, thành phố, trên 600 huyện, quận, thị xã, các khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề. Cả nước có 102 trường cao đẳng nghề, 265 trường trung cấp nghề, hơn 860 trung tâm dạy nghề và trên 1.000 cơ sở dạy nghề khác tại các doanh nghiệp và tại các cơ sở giáo dục khác.

So với năm 2008, số trường dạy nghề tăng 2,37 lần, trung tâm dạy nghề tăng 4,56 lần. Quy mô tuyển sinh học nghề năm 2008 đạt gần 1,54 triệu học sinh, sinh viên, tăng gần 3 lần so với năm 1998. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2008 nâng lên 26%, đạt mục tiêu Chiến lược giáo dục giai đoạn 2001 - 2010 đề ra trước 2 năm, dự kiến năm 2009 đạt 28% và 2010 đạt 30%. Cơ cấu nghề đào tạo đã được điều chỉnh theo nhu cầu thị trường lao động.

Mặc dù đã đạt một số kết quả trong thời gian qua, nhưng công tác dạy nghề vẫn còn tồn tại một số hạn chế như tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề còn thấp, nhất là lao động nông thôn; cơ cấu đào tạo nghề theo trình độ và nghề đào tạo chưa đáp ứng được cơ cấu lao động cần sử dụng của các ngành kinh tế và thị trường lao động.

Chất lượng đào tạo nghề còn thấp do đó dẫn đến còn khoảng cách giữa đào tạo nghề và sử dụng lao động; tác phong công nghiệp, thể chất, năng lực sáng tạo, năng lực giao tiếp của học sinh, sinh viên tốt nghiệp còn yếu; lao động nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, cũng là những vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới.

Đề cương Chiến lược đã đặt ra mục tiêu tổng quát phát triển dạy nghề Việt Nam đến năm 2020 là tạo sự đột phá về chất lượng dạy nghề theo hướng tiếp cận trình độ khu vực và thế giới nhằm đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có kiến thức, năng lực thực hành nghề, có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, tác phong công nghiệp đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và xuất khẩu lao động.

Theo đề cương, tăng quy mô đào tạo nghề để đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 55%; gắn kết dạy nghề với doanh nghiệp. Đề cương cũng đặt ra những mục tiêu dạy nghề cho từng giai đoạn cụ thể, đề ra những giải pháp để công tác dạy nghề có sự chuyển biến thực sự về lượng và chất.

Chiến lược đề ra các giải pháp như nâng cao nhận thức của xã hội về dạy nghề và nâng cao chất lượng dạy nghề; đáp ứng về số lượng dạy nghề; xây dựng cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển dạy nghề; tổ chức xây dựng, triển khai các đề án, chiến lược về dạy nghề./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục