Học viện bóng đá kỳ 2: Liga và những "công xưởng"

Athletic Bilbao, cũng như Sociedad và Barcelona là ba trong số những đội bóng có lò đào tạo để cung cấp "gà nhà" cho câu lạc bộ.
Nói đến học viện bóng đá ở Tây Ban Nha, dễ dàng liên tưởng ngay đến La Masia lộng lẫy của Barcelona. Nhưng thực tế, còn nhiều công xưởng ấn tượng không kém, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng đang bóp nát nền kinh tế nước này như hiện nay. Real Sociedad là một hiện tượng của La Liga mùa này, đang chiễm chệ ở vị trí thứ 4. Đáng nể hơn, họ dùng tới 16 "gà nhà" trong đội hình bay bổng từ đầu mùa giải. Những lò như của Sociedad hay Athletic Bilbao đang chứng minh Tây Ban Nha ngập tràn các công xưởng bóng đá đầy hiệu quả. Bilbao, cũng như Sociedad và Barcelona, luôn tự hào về bản sắc vùng miền của mình và chỉ tuyển mộ những cầu thủ gốc xứ Basque. Mùa năm nay, Bilbao sử dụng tới 20 sản phẩm từ lò đào tạo của mình và đứng đầu danh sách về tỷ lệ "nội địa hóa" này. Đứng thứ hai sau Bilbao là Real Sociedad (16) và thứ ba là Barcelona (15). Bộ ba này giữ vững vị trí trong danh sách trên đã ba mùa liên tiếp. Trong số 20 cái tên ở La Liga hiện nay, chỉ Granada là không dùng "hàng nội" nào trong hai mùa qua. Số lượng này ở Real Madrid là 7 cầu thủ mùa này còn ở Atletico Madrid là 8. Để thấy mức độ ấn tượng về tỷ lệ "hàng nội" ở La Liga, hãy so sánh với các giải khác. Trong 5 giải châu Âu hàng đầu, chỉ duy nhất Lyon ở Ligue 1 là có số cầu thủ tự đào tạo lên đến hai chữ số trong đội hình năm nay (10).

Athletic Bilbao thành công với những cầu thủ từ chính lò đào tạo.
Huấn luyện viên người Pháp Philippe Montanier của Sociedad cho rằng một trong những lý do dẫn tới thành công của các lò đào tạo ở Tây Ban Nha là chú trọng đến kỹ thuật hơn là thể lực. So sánh với quê nhà, ông thầy này cho rằng đó là hai hướng đi khác hẳn nhau. Đào tạo ở Tây Ban Nha tập trung vào những cầu thủ "thanh mảnh" với độ thông minh, tinh quái cao. Cũng như ở Brazil, các cầu thủ Tây Ba Nha tập luyện kỹ thuật một cách vui vẻ trong không gian hẹp. Còn ở Pháp, tập luyện là khắt khe với nhiều đòi hỏi nên khi cầu thủ trẻ đến tầm 18 hay 19 tuổi, không ít đánh mất tình yêu với trái bóng tròn. Lợi ích kinh tế Tự đào tạo không chỉ giúp siết chặt tình cảm giữa câu lạc bộ với người hâm mộ mà còn đem lại lợi ích kinh tế lớn, điều ngày càng quan trọng cho các đội bóng Tây Ban Nha đang đầy rủi ro tài chính. Suy thoái kinh tế chung với quốc gia này cùng sự hoang phí trong quá khứ của các câu lạc bộ đã đẩy nhiều tên tuổi rơi vào tình trạng "Chúa Chổm." Tổng nợ của La Liga được ước tính là hơn 3,5 tỷ euro (tương đương 4,5 tỷ USD). Luật Công bằng tài chính của UEFA và những quy định tương tự ở trong nước đang hướng tới đích ngắm buộc các câu lạc bộ phải thắt lưng buộc bụng, không được chi vượt thu. Diễn biến trên thị trường chuyển nhượng gần đây cho thấy xu hướng khắc khổ này. Phiên chợ mùa Đông hồi tháng Giêng vừa qua, tổng chi tiêu của La Liga vẻn vẹn 12,3 triệu euro! Tính cả kỳ chuyển nhượng Hè, năm ngoái giao dịch mua bán cầu thủ giảm 62% so với mùa trước xuống còn 140 triệu euro. Đây là mức thấp nhất trong 5 năm qua. Tuy nhiên, La Liga không mất tính cạnh tranh trong ngắn hạn bởi các câu lạc bộ xoay xở sang những phương án ít tốn kém hơn như mua các cầu thủ đã vào diện chuyển nhượng tự do hay mượn từ các đội khác. Nguồn quan trọng hơn thế là từ các chương trình đào tạo, phát triển của chính câu lạc bộ đó. Số lượng "gà nhà" được các đội bóng La Liga sử dụng đã tăng từ 137 cầu thủ mùa 2010-11 lên 155 cầu thủ ở mùa năm nay. Mặc dù vậy, cũng còn không ít hoài nghi. Placido Rodriguez, giáo sư kinh tế Đại học Oviedo và từng là Chủ tịch Sporting Gijon, cho rằng đôn các cầu thủ trẻ tự đào tạo lên chưa chắc đã giúp giải quyết được tình trạng tài chính của các câu lạc bộ. Theo chuyên gia này nhất xét, ngoại trừ Barcelona, Bilbao và Sociedad, ít đội "trồng" được lực lượng trẻ đáng kể cho đội 1. Và mặt trái của khủng hoảng Angel Barajas, giáo sư tài chính Đại học Vigo, lại lo lắng hơn về một khía cạnh khác của khủng hoảng kinh tế. Đó là các câu lạc bộ buộc phải bán đi những tài năng trẻ sáng giá của mình để có tiền bù đắp ngân sách. Ông nhận định: "Theo tôi, đáng buồn là khó khăn tài chính khiến các câu lạc bộ La Liga chưa chắc dựa vào được đào tạo trẻ. Ngược lại, chúng ta đang chứng kiến tình trạng ngày càng nhiều cầu thủ trẻ sang các giải khác thi đấu."

Malaga (áo xanh) vẫn đang chờ đợi lớp tài năng mới.
Một cái tên đang quyết tâm trông đợi vào thực lực học viện để giúp câu lạc bộ vượt qua sóng gió tiền bạc và tuân thủ các quy định tài chính của UEFA là Malaga. Được một thành viên Hoàng gia Qatar thâu tóm năm 2010, song Malaga nhanh chóng thấy màn đổi đời đó biến mất khi ông chủ mới thờ ơ. Lọt vào tứ kết Champions League ngay trong màn ra mắt ở mùa năm nay, Malaga đang phải đối mặt với những trừng phạt từ UEFA bởi những rối ren thuế má. Không còn sung túc, câu lạc bộ đã buộc phải bán đi những ngôi sao như Santi Cazorla cho Arsenal hồi mùa Hè. Giờ là lúc phải đặt niềm tin và hy vọng nhiều hơn vào đào tạo trẻ. Hai năm trước, Malaga đã đi theo hướng này khi lôi kéo chuyên gia giàu kinh nghiệm Manuel Casanova từ Espanyol để xây dựng "một học viện tinh anh" như của Barcelona và Bilbao. Khi được hỏi làm thế nào để phát hiện được những cầu thủ trẻ tiềm năng, Casanova thầm thì rằng "Đó là một bí mật. Tôi chỉ cần ra sân 15 phút là có thể nói ai giỏi ai tồi". Hy vọng với cặp mắt xanh của chuyên gia này, Malaga sẽ sớm đóng góp một học viện sáng giá làm người ta phải thêm ghen tị với bóng đá Tây Ban Nha. Học viện bóng đá kỳ 1: Nơi giấc mơ bay cao hay ác mộng?
Vũ Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục