Phải tạo mọi điều kiện cho báo chí trong dịp Đại lễ

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo, phải tạo mọi điều kiện tốt nhất cho báo chí đưa tin về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội chỉ đạo, phải tạo mọi điều kiện cho báo chí hoạt động đưa tin về Đại lễ.

Theo tin của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hà Nội, sẽ có khoảng 1.000 nhà báo đến dự, đưa tin các sự kiện trong 10 ngày Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, trong đó có hơn 100 phóng viên ngoài nước.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, vì vậy “các đơn vị chủ trì 54 sự kiện chính diễn ra trong 10 ngày Đại lễ phải cung cấp tài liệu đầy đủ, bố trí vị trí thao tác cho phóng viên, tạo mọi điều kiện để phóng viên tiếp cận sự kiện, đưa tin một cách tốt nhất.”

Phó Thủ tướng cũng nhắc nhở công tác thông tin tuyên truyền cần có kế hoạch cụ thể trong việc đưa tin, nêu thật đầy đủ ý nghĩa của từng sự kiện “sao cho thật rõ, thật sâu.”

“Bên cạnh tuyên truyền các sự kiện diễn ra trong 10 ngày Đại lễ, các đơn vị báo chí cần có kế hoạch tuyên truyền phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội trong dịp Đại lễ này,” Phó Thủ tướng gợi ý.

Theo báo cáo của các trưởng tiểu ban, về cơ bản công việc chuẩn bị cho các hoạt động chính của 10 ngày Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội đã sẵn sàng. Các kịch bản chi tiết của từng sự kiện cũng đã được các tiểu ban hoàn thành. Các phương án chi tiết đảm bảo an ninh, trật tự cho từng sự kiện đã được diễn tập.

Đến nay, các tiểu ban, ban tổ chức của các ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo đúng tiến độ, đồng thời, đã tổ chức diễn tập, tổng hợp luyện, hoàn chỉnh các phương án phục vụ buổi sơ duyệt, tổng duyệt chương trình kỷ niệm, lễ míttinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Theo kế hoạch, có 54 hoạt động chính diễn ra trong 10 ngày Đại lễ, trong đó, có lễ khai mạc và đón nhận Bằng công nhận di sản Văn hóa Thế giới khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long diễn ra vào 8 giờ sáng ngày 1/10 tại vườn hoa Lý Thái Tổ.

Điểm nhấn của chương trình này là Lễ rước Bằng công nhận Di sản Văn hóa Thế giới về Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Vào buổi tối cùng ngày sẽ có chương trình biểu diễn nghệ thuật "Đêm Hồ Gươm lung linh" và trình diễn áo dài truyền thống tại xung quanh khu vực Hồ Gươm.

Từ ngày 2-9/10, trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như tổ chức trưng bày hiện vật lịch sử 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long; Các cuộc triển lãm đặc sắc về những sự kiện, hình ảnh con người, nghề truyền thống; Các chương trình ca nhạc của các nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và ngoài nước; Khánh thành các công trình trọng điểm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội...

Đặc biệt Lễ míttinh, diễu hành kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội tại Quảng trường Ba Đình sẽ diễn ra vào sáng 10/10. Và đúng 20 giờ cùng ngày, tại Sân Vận động quốc gia Mỹ Đình sẽ diễn ra Đêm hội Văn hóa nghệ thuật, tiếp đó là màn trình diễn pháo hoa đặc sắc.

Tại các sân khấu ngoài trời, nhà hát, nhà văn hóa và trung tâm các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ diễn ra gần 250 buổi biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong nước, 38 buổi biểu diễn của các đoàn nghệ thuật nước ngoài cùng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật do các quận, huyện, thị xã tổ chức./.

Thanh Bình (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục