"Hồn" tranh Hàng Trống

Tranh Hàng Trống và nghệ nhân cuối cùng

Nghệ nhân cuối cùng của tranh dân gian Hàng Trống vẫn miệt mài làm việc, hy vọng hồi sinh dòng tranh nổi tiếng một thời.
Bị thuyết phục bởi thông tin ông là nghệ nhân tranh dân gian Hàng Trống và cũng là người duy nhất còn lưu giữ dòng tranh này, tôi tìm đến nghệ nhân Lê Đình Nghiên để nghe giãi bày về nghề.

Lúc nào cũng bị sức ép về thời gian, ông nói ngắn gọn, nhanh chóng đến độ hấp tấp như tranh thủ từng giây và cuộc gặp gỡ cũng thật ngắn ngủi.

Với người duy nhất còn gắn bó với tranh Hàng Trống, bận rộn là lẽ thường tình vì nhiều khách hàng đang chờ, nhiều bức tranh cần khôi phục đang đợi ông.

Vẽ tranh để tìm thú vui

Xuất thân từ phố Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm) nên ngay từ nhỏ ông đã thấm dần những tinh hoa của dòng tranh dân gian Hàng Trống, nghệ thuật vẽ tranh từ ông nội và người cha.

Ngoài những lúc được theo bà đi bán tranh, ông còn được học cách bồi giấy, in bản khắc, pha màu, tô màu rồi dần dần đam mê từ lúc nào không hay.

Trên 50 năm gắn bó với dòng tranh dân gian Hàng Trống, nghệ nhân Lê Đình Nghiên luôn say mê với nghề cổ của cha ông, thường xuyên tìm tòi những bức tranh cổ, sưu tập các bức khắc cổ để nghiên cứu, học vẽ theo.

Ông thừa nhận: “Lúc nào tôi cũng bận vì nghề này cần nhiều thời gian nhưng không làm thì thôi, lúc làm thì say sưa lắm. Nhiều khi không có khách đặt tôi cũng thong thả vẽ rồi sau đó tự ngắm tranh mình làm ra cũng có cái thú riêng”.

Theo các nhà nghiên cứu, tranh dân gian Hàng Trống có cách đây khoảng 400 năm nhưng nghệ nhân Lê Đình Nghiên cho rằng có lẽ dòng tranh này xuất hiện lâu hơn nữa. Đây là dòng tranh thành thị có sự tiếp cận những tiến bộ của nền hội hoạ Trung Quốc, có tính kỹ thuật, mỹ thuật cao, nội dung phong phú nên kén cả người chơi tranh.

Tranh Hàng Trống phổ biến có hai dòng, tranh thờ và tranh Tết, chịu ảnh hưởng giữa các loại hình tượng thờ ở các đình chùa và những nét sinh hoạt văn hoá hàng ngày.

Tranh thờ nổi bật là các bức ông Hoàng Mười, Ngũ Hổ, ông Hoàng Bảy, cô Ba, chúa Thượng Ngàn… Tranh Tết điển hình như Tố nữ, Tứ dân, Tứ quý, Chim công múa, Chợ quê… và phỏng theo các tích Nhị độ mai, Truyện Kiều…

Tận mắt chứng kiến ông dồn tâm huyết vào các bức tranh, người ta sẽ nhận ra rằng, không đơn thuần lướt màu theo những bản khắc đã định sẵn, nghệ nhân Lê Đình Nghiên hay bất cứ hoạ sỹ nào cũng phải biết cách tạo ra cái thần của bức tranh.

Ông giảng giải cho tôi, nếu vẽ tán cây bằng một màu xanh đậm, tán cây ấy sẽ bị bẹp thành mặt phẳng nhưng người hoạ sỹ phải biết chấm nước lã vẽ màu vòng ngoài tán cây thì tán sẽ tròn; cũng như thế vẽ khuôn mặt người cũng phải vờn màu để khuôn mặt tròn trĩnh, có hồn.

Nhìn những bức tranh ông treo trong gian phòng vẽ, bức nào cũng tươi sáng và rất sống động, đó cũng là đặc trưng của dòng tranh Hàng Trống mà nghệ nhân Lê Đình Nghiên được thừa hưởng.

Tranh còn sống mãi

Tranh Hàng Trống phát triển mạnh vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 nhưng đến nay gần như mai một, ở Hàng Trống không còn ai vương vấn với nó ngoại trừ nghệ nhân Lê Đình Nghiên. Ông bồi hồi kể lại: "phố Hàng Trống, Hàng Nón thuở đó quanh năm nhộn nhịp với tranh, người khắp nơi đổ về mua tranh để thờ phụng và chơi Tết."

Mỗi dịp cuối năm, các chiếu tranh Hàng Trống bày bán la liệt ở hè phố tạo một nét riêng cho cái Tết Hà Nội. Sau này, khi cuộc sống hiện đại hơn, xu hướng chơi tranh cũng thay đổi, vì thế nhiều dụng cụ làm tranh như ván, bản khắc cũ của các gia đình bị vứt bỏ, nhiều bản khắc quý cũng mất theo.

Ông nuối tiếc: “Ngày nay, dòng tranh này chỉ biết nhiều ở các bảo tàng, người chơi tranh cũng không còn mấy”. Nghệ nhân rất thán phục và trân trọng những người làm ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã rất tâm huyết, dày công sưu tầm một khối lượng khổng lồ về tranh dân gian Việt Nam.

Hiện nay, ông thường vẽ cho các khách hàng đặt mua như các bảo tàng, tổ chức, cá nhân có nhu cầu hoặc phục hồi tranh cũ, gặp ai yêu tranh, mua tranh Hàng Trống như là niềm động viên cho ông.

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên nhớ mãi một kỷ niệm, dạo ông đưa tranh vào Đà Nẵng triển lãm, một thiếu tá Hải quân mừng rỡ khi tìm được tranh Hàng Trống vì anh đã nhờ người và cất công đi tìm mua khắp Hà Nội mà không thấy.

Trước kia, ông bà anh đã từng chơi tranh Hàng Trống và anh đã theo truyền thống của ông bà mua ngay bộ tranh Tứ quý về treo. Khi chúng tôi đến, nghệ nhân Lê Đình Nghiên cũng đang làm một bộ tranh theo đặt hàng của một tổ chức ở Nhật.

Ông nói rằng: “Không có cớ gì người nước ngoài quan tâm đến tranh dân gian Việt Nam mà mình lại không gìn giữ nó”. Mặc dù thu nhập từ việc vẽ tranh, khôi phục tranh cũ không đáng là bao nhưng nghệ nhân Lê Đình Nghiên vẫn không bỏ nghề, còn sức lực ông còn tìm sức sống cho dòng tranh dân gian này. Đó cũng là cái duyên nợ của ông với nghề cổ cha ông để lại.

Trong khi nhiều gia đình vứt bỏ đồ làm tranh thì ông lại ra sức tìm kiếm, mua lại để phục chế. Hiện ông có một gia sản khá lớn là các bức tranh Hàng Trống và đồ làm tranh trong đó có những bức vẽ từ hàng trăm nay trước.

Dù đã nghỉ hưu nhưng ngày ngày nghệ nhân Lê Đình Nghiên vẫn miệt mài làm việc tại phòng khôi phục tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Những năm còn lại, ông cố gắng truyền nghề cho cậu con trai Lê Hoàn để tiếp tục gìn giữ dòng tranh Hàng Trống và luôn tâm nguyện “nhờ trời, để tranh Hàng Trống còn sống mãi”./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục