Đôi vợ chồng nuôi 50 người bệnh tâm thần ở Gia Lai

Vợ chồng anh Hà Tư Phước ở Chư H'Dông, Gia Lai, dù kinh tế không dư dả nhưng vẫn tự nguyện nuôi hơn 50 người mắcbệnh tâm thần.
Bà con ở thôn Ia A Rot thuộc xã Chư H'Dông - vùng ven thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, đều gọi vợ chồng anh Hà Tư Phước là hai người "khùng," bởi kinh tế gia đình chẳng sung túc gì nhưng lại tự nguyện nuôi hơn 50 người bệnh tâm thần trong nhà.

Mới nghe qua ai cũng cho là chuyện "hoang đường" nhưng thực tế việc nuôi người bệnh tâm thần đã được vợ chồng anh Phước thực hiện 10 năm nay. Những ai biết đến việc làm này của vợ chồng anh đều rất khâm phục và trân trọng.

Đến thăm nhà anh Phước vào một dịp đầu xuân Quý Tỵ, lúc bấy giờ trong nhà của anh có chừng 50 người bệnh tâm thần cùng chung sống. Nhà nuôi dưỡng người tâm thần được anh Phước làm ở một khu riêng nằm trong khuôn viên 7 sào đất vườn của gia đình với tổng diện tích chừng hơn 200m2. Ở hai đầu là hai gian phòng được làm bằng tường xây, mái lợp tôn và có giường nằm, chăn chiếu để ngủ và nghỉ ngơi; ở giữa là một khoảng sân để cho những người tâm thần sinh hoạt hàng ngày; chung quanh thì được bao bọc bởi hàng lưới sắt và tường xây.

Anh Phước cho biết trong tổng số hơn 50 người bệnh tâm thần này, có gần một nửa là người đồng bào dân tộc thiểu số Bahnar, J'rai với nhiều lứa tuổi và nhiều mức độ bệnh khác nhau. Bình quân mỗi ngày gia đình anh phải nấu tới 30kg gạo để phục vụ ba bữa cơm, đó là chưa kể tiền mua thức ăn và các loại đồ dùng sinh hoạt khác. Còn áo quần, chăn nệm, nhờ sự giúp đỡ của bà con hàng xóm và các nhà hảo tâm.

Hàng ngày, anh còn phân công công việc cho mọi người để họ cùng thương yêu, giúp đỡ nhau. Những người khỏe và còn một phần trí nhớ tự lo cho bản thân mình và chăm lo cho những người yếu, người mất trí từ việc ăn uống, giặt giũ, vệ sinh cá nhân. Còn vợ chồng anh luôn cử một người ở nhà để trông coi và kiểm soát các hoạt động của những người tâm thần. Ai có đau ốm đột xuất sẽ tìm cách đưa đến cơ sở y tế để điều trị, ai bỏ trốn đi sẽ đi tìm bằng được để đưa về nuôi dưỡng.

Ngoài việc lo ăn uống hàng ngày, vợ chồng anh Phước còn thường xuyên tổ chức các hoạt động cho những người bệnh tâm thần tham gia, coi đây là "liều thuốc" hữu hiệu để chữa trị bệnh cho họ. Hoạt động chủ yếu là đàn hát cho nhau nghe vào những lúc rảnh rỗi, thường mỗi tuần có đến 3-4 lần như vậy và mỗi lần kéo dài đến hơn một tiếng đồng hồ. Anh sắm một cây đàn guitar để sau khi đi làm về dạy cho họ hát từng câu, từng bài. Lâu ngày họ quen và cùng nhau hát thuộc khá nhiều bài hát như bài "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng," "Bác cùng chúng cháu hành quân," "Ngọn lửa cao nguyên." Hoạt động này đã giúp cho họ sảng khoái tinh thần hơn, thuyên giảm bệnh.

Người đầu tiên mà vợ chồng anh Phước đưa về nuôi cách đây 13 năm (vào năm 2000), xuất phát từ tấm lòng "thương người như thể thương thân." Cũng chẳng biết thế nào mà những người tâm thần được vợ chồng anh đưa về nuôi dưỡng đều thuyên giảm bệnh một cách rõ rệt, có những người bệnh quá nặng phải xích lại và chỉ sau 5-7 tháng, lại tỉnh táo và có thể giúp vợ chồng anh được khá nhiều việc như nấu cơm, chăn dắt bò, chăm sóc vườn càphê...

Tiếng lành đồn xa, có nhiều gia đình ở các huyện vùng sâu xa trong tỉnh và thậm chí ở tận tỉnh Kon Tum có người thân trong nhà bị tâm thần nhưng không được điều trị khỏi cũng đưa đến và nhờ anh "chữa trị " giùm. Tính đến nay, số lượng người tâm thần được vợ chồng anh nuôi dưỡng có đến hơn cả trăm người, những người bớt bệnh đã được người nhà đến nhận về.

Anh Phước làm nghề lái xe tải chuyên chở thuê vật liệu xây dựng, còn chị ở nhà chăm sóc vườn càphê 0,7ha kinh doanh, nuôi hơn 10 con bò và chăm lo cho 2 con ăn học. Nếu như bình thường, cuộc sống của gia đình anh có phần sung túc và khấm khá hơn so với nhiều người dân trong vùng, song vì nhận nuôi thêm những người tâm thần trong nhà nên còn nhiều thiếu thốn và khổ cực. Các khoản tiền thu nhập được của vợ chồng anh đều tập trung cho việc nuôi dưỡng những người tâm thần, thậm chí có những ngày mua gạo và thức ăn phải chịu nợ. Riêng khoản tiền làm nhà ở cho những người tâm thần hiện vẫn còn nợ đến 15 triệu đồng chưa biết đến khi nào trả được...

Anh Phước tâm sự: vẫn biết việc nuôi dưỡng những người bệnh tâm thần là rất vất vả và khó nhọc song vợ chồng anh không cầm lòng được khi thấy cuộc sống của những người bệnh sống lang thang trên đường phố, hoặc bị người nhà xiềng xích... Vui sướng hơn cả, là khi họ về cùng chung sống với anh chị thì bệnh tình của họ lại thuyên giảm, mặc dù tôi chẳng có "bùa phép" gì cả mà chỉ bằng tấm lòng thương yêu đùm bọc thôi. Vợ chồng anh coi họ như anh em trong nhà, tôi nói họ nghe và ngược lại...

Còn chị Huỳnh Thị Hạt - vợ anh Phước nói: Ban đầu tôi phản đối gay gắt việc đưa người tâm thần về nhà nuôi dưỡng, về sau tôi mới hiểu ra một điều, họ là một con người và cần phải có cuộc sống ý nghĩa hơn. Từ đó, tôi đồng thuận cùng với chồng và cùng chung tay góp sức để nuôi dưỡng cho họ được tốt hơn.../.

Văn Thông (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục