Nỗi lo Hy Lạp phá sản làm giá vàng "sốt" trở lại

Giá vàng tiếp tục tăng 1% trong phiên 4/10 trên sàn giao dịch điện tử châu Á, sau khi đã tăng hơn 1% phiên trước đó cũng tại thị trường này và là phiên tăng thứ tư liên tiếp, do các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu để dồn tiền vào mua vàng làm "nơi trú ẩn an toàn" trong nỗi lo kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào một cuộc suy thoái mới nếu Hy Lạp bị phá sản. Theo giới phân tích, hoạt động mua vào tài sản có độ an toàn cao hơn đã khiến giá vàng "sốt" trở lại, ngược hoàn toàn với sự sa sút của thị trường chứng khoán, dầu mỏ và kim loại cơ bản, trong đó giá đồng cũng chịu sức ép giảm phiên thứ 5 liên tiếp.
Giá vàng tiếp tục tăng 1% trong phiên 4/10 trên sàn giao dịch điện tử châu Á, sau khi đã tăng hơn 1% phiên trước đó cũng tại thị trường này và là phiên tăng thứ tư liên tiếp, do các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu để dồn tiền vào mua vàng làm "nơi trú ẩn an toàn" trong nỗi lo kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào một cuộc suy thoái mới nếu Hy Lạp bị phá sản.

Theo giới phân tích, hoạt động mua vào tài sản có độ an toàn cao hơn đã khiến giá vàng "sốt" trở lại, ngược hoàn toàn với sự sa sút của thị trường chứng khoán, dầu mỏ và kim loại cơ bản, trong đó giá đồng cũng chịu sức ép giảm phiên thứ 5 liên tiếp.

Mở cửa phiên 4/10 tại Hong Kong, giá vàng giao ngay đã tăng 9,91 USD lên 1.664,18 USD/ounce. Đến 6 giờ 36 giờ GMT, giá mặt hàng này đã tăng mạnh 16,79 USD lên 1.673,19 USD/ounce, song giữ khoảng cách khá xa ngưỡng cao lịch sử khoảng 1.920 USD/ounce ghi trong tháng 9/2011.

Đêm trước tại New York, giá vàng giao tháng 12/2011 đã tăng tới 35,4 USD (2,2%) lên 1.657,7 USD/ounce, sau khi Chính phủ Hy Lạp cho biết họ có thể không thực hiện được mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách năm nay như đã cam kết.

Các bộ trưởng tài chính Eurozone đang xem xét kế hoạch mở rộng quỹ cứu trợ nhằm giải quyết khủng hoảng nợ công trong khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Trước đó, hầu hết các nền kinh tế thành viên Eurozone, trong đó có Đức, đã chấp nhận kế hoạch này. Tuy vậy, mọi nỗ lực sẽ trở nên vô nghĩa nếu Hy Lạp vỡ nợ.

Trong gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU) đòi hỏi phải có sự tham gia của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, động thái này có thể hủy hoại chương trình cứu trợ và tăng nguy cơ làm Hy Lạp rơi vào cảnh phá sản.

Tổ chức tài chính Credit Suisse vừa nâng triển vọng giá vàng năm 2012 từ 1.540 USD/ounce theo dự báo trước lên 1.850 USD/ounce, song lại hạ triển vọng giá bạch kim năm tới từ 1.990 USD/ounce xuống 1.775 USD/ounce.

Theo Credit Suisse, giá vàng chắc chắn được lợi từ sự bất ổn và trục trặc trên các thị trường tài chính. Chính vì vậy, giá kim loại quý này sẽ còn tăng nếu khủng hoảng tiếp diễn.

Nhà phân tích Ong Yi Ling thuộc Công ty Phillip Futures có trụ sở tại Singapore thậm chí còn cho rằng giá vàng sẽ vào khoảng 2.000 USD/ounce trong năm 2012, đồng thời vẫn trong xu hướng tăng về dài hạn.

Trong phiên này, giá bạc và paladi cũng vững lên. Cùng là kim loại quý được sử dụng trong ngành công nghiệp ôtô như paladi, song giá bạch kim lại theo thị trường chứng khoán đi xuống, bất chấp doanh số bán ôtô tăng tại Mỹ.

Thống kê chính thức cho thấy trong tháng 9/2011, doanh số bán ôtô tại nền kinh tế số một thế giới đã tăng gần 10% và các hãng sản xuất ôtô Mỹ dự đoán xu hướng tăng sẽ được duy trì trong thời điểm cuối năm.

Tuy nhiên, trong thời gian này, doanh số bán xe của Toyota Motor Corp và Honda Motor vẫn giảm lần lượt 18% và 8% - hậu quả của thảm họa động đất-sóng thần hôm 11/3/2011./.

Trang Nhung (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục