Châu Phi thành khu vực phi hạt nhân lớn nhất

Khu vực phi hạt nhân toàn châu Phi đã chính thức có hiệu lực vào giữa tháng 8 đưa châu lục này trở thành lớn nhất thế giới về phi hạt nhân.
Ngày 31/8, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Liên minh châu Phi (AU) vừa công bố Khu vực phi hạt nhân toàn châu Phi (NWFZ) đã chính thức có hiệu lực vào giữa tháng 8 sau khi Burundi trở thành nước thứ 28 của châu lục này phê chuẩn Hiệp ước phi hạt nhân toàn châu Phi.

Như vậy, châu Phi, một trong những khu vực sản xuất uranium lớn nhất thế giới, đã trở thành khu vực phi hạt nhân lớn nhất thế giới với 53 nước và khoảng 1 tỷ dân. Algeria và Burkina Faso là 2 nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp ước Phi hạt nhân toàn châu Phi năm 1998.

Theo hiệp ước được ký ngày 11/4/1996 tại Cairo, Ai Cập này, 53 nước châu Phi phải ký với IAEA các hiệp định bảo vệ toàn diện theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Các nước này cam kết áp dụng các tiêu chuẩn cao nhất về an ninh và bảo vệ các thiết bị, phương tiện và nguyên liệu hạt nhân để ngăn chặn nạn trộm cắp và sử dụng trái phép cũng như cấm tấn công vũ trang vào các cơ sở hạt nhân trong khu vực.

Các nhà lãnh đạo châu lục Đen nhấn mạnh châu Phi phi hạt nhân sẽ bảo vệ các nước trong khu vực không bị tấn công hạt nhân, tránh được ô nhiễm phóng xạ. Tuy nhiên, các nước vẫn được quyền nghiên cứu, phát triển và sử dụng hạt nhân vào mục đích hòa bình.

Tổng Giám đốc IAEA Mohamed ElBaradei tuyên bố Khu vực phi hạt nhân toàn châu Phi cùng với các khu vực phi hạt nhân khác trên thế giới như Khu vực phi hạt nhân Mỹ Latinh và Caribe, Đông Nam Á, Nam Thái Bình Dương và Trung Á sẽ là bước đi quan trọng nhằm tăng cường an ninh và củng cố niềm tin khu vực, tiến tới một thế giới phi hạt nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục