LHQ hối thúc tiến hành "cách mạng công nghiệp"

Thế giới cần một cuộc cách mạng công nghệ lớn hơn và nhanh hơn cuộc cách mạnh công nghiệp để tránh thảm họa cho hành tinh.
Báo cáo với nhan đề “Khảo sát xã hội và kinh tế thế giới năm 2011: Biến đổi công nghệ Xanh vĩ đại” được Ban các vấn đề xã hội và kinh tế (DESA) của Liên hợp quốc công bố ngày 5/7 cho biết nhân loại sắp phá vỡ sự bền vững của Trái Đất, do đó thế giới cần một cuộc cách mạng công nghệ lớn hơn và nhanh hơn cuộc cách mạnh công nghiệp để tránh thảm họa cho hành tinh.

Trong phần giới thiệu báo cáo, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh các nước phải coi tăng trưởng và bền vững là những nhu cầu bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau. Điều này có khả năng xảy ra khi thế giới theo đuổi một hình mẫu kinh tế vì người nghèo, sử dụng các nguồn hiệu quả và lượng cácbon thấp.

Báo cáo khẳng định các nước cần đầu tư hơn nữa để phát triển các loại công nghệ năng lượng sạch, các kỹ thuật phát triển rừng và nông nghiệp bền vững và các công nghệ hạn chế sản xuất chất thải có khả năng làm thoái hóa các chất vô sinh.

Báo cáo nhấn mạnh: "Việc sử dụng năng lượng, chủ yếu các nhiên liệu hóa thạch, đang phát triển nhanh và điều đó giải thích tại sao nhân loại chuẩn bị phá vỡ sự bền vững của Trái Đất qua tình trạng ấm lên trên toàn cầu, tàn phá các loài sinh học, làm mất cân bằng của các chu kỳ nitơ và nhiều biện pháp khác ảnh hưởng sự bền vững của hệ sinh thái trên Trái Đất. Do đó, thế giới cần nhanh chóng chuyển sang giai đoạn năng lượng toàn cầu toàn diện để ngăn ngừa thảm họa lớn cho Trái Đất."

Báo cáo yêu cầu trong 40 năm tới, thế giới cần đầu tư mỗi năm 1.900 tỷ USD cho các công nghệ xanh. Các nước đang phát triển cần được đầu tư ít nhất 1.100 tỷ USD để đáp ứng các nhu cầu năng lượng và lương thực ngày càng tăng.

Báo cáo khẳng định: "Thế giới cần biến đổi công nghệ lớn hơn về quy mô và có tính khả thi trong khung thời gian ngắn hơn cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên. Thế giới cần có nhiều công nghệ mới để cho phép tầng lớp người nghèo nâng cao mức sống, đồng thời giảm lượng khí thải nhà kính và phế thải và chấm dứt tình trạng làm mất các nguồn không có khả năng phục hồi trên Trái Đất."

Như thường lệ, mỗi năm DESA công bố một bản báo cáo trên cơ sở kết quả của các cuộc khảo sát kinh tế và xã hội trên thế giới. Báo cáo năm 2010 của cơ quan này kêu gọi thế giới cải cách bộ máy tài chính, viện trợ và thương mại toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục