Nặng lòng bưu thiếp cổ

Người lưu giữ những tấm bưu thiếp cổ Đông Dương

Sự nghiệp nhiếp ảnh của Pierre Dieulefils gắn liền với Đông Dương suốt 35 năm, với con số phim ảnh và bưu thiếp lên tới 5.000 tấm.
Sự nghiệp nhiếp ảnh của Pierre Dieulefils gắn liền với Đông Dương trong suốt giai đoạn 1885-1920. Theo ước tính, con số phim ảnh và bưu thiếp của ông lên đến 5.000 tấm. Sau gần một thế kỷ trôi nổi theo những thăng trầm của lịch sử, một phần của kho tàng tư liệu ảnh quí giá này đã được hậu duệ của ông tìm kiếm và lưu giữ. Ít ai biết được rằng một căn hộ nhỏ ở trung tâm thành phố Manosque, cách thủ đô Paris 800km về phía nam, lại là nơi lưu giữ rất nhiều những tấm bưu thiếp, những bức ảnh liên quan đến Việt Nam hồi cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Đó là căn hộ của ông Lionel Labastire và những tấm ảnh đó chính là những tác phẩm của cụ ngoại ông Labastire, nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Đông Dương Pierre Dieulefils. Tiếp chúng tôi trong căn phòng khách nhỏ, ông Labastire say mê giới thiệu những album ảnh của cụ ngoại. Mặc dù chưa một lần đến Việt Nam, ông vẫn có thể chỉ ra những tấm hình chụp quang cảnh phố Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền), Hồ Gươm, Nhà hát Lớn và Dinh Toàn quyền Đông Dương (Phủ Chủ tịch ngày nay). Một điều bất ngờ là kho tư liệu cổ quí giá mà ông Labastire đang sở hữu không phải là "của thừa kế," mà do ông bỏ tiền của và công sức ra để sưu tập. Ra đời khi cụ Pierre Dieulefils đã mất, những ký ức của ông Labastire về cụ ngoại chỉ là những câu chuyện mẹ kể và những bức ảnh gia đình chụp từ thời còn ở Việt Nam, nay vẫn còn lưu giữ được chút ít. Hầu như không ai trong gia đình còn nhớ đến những tác phẩm do ông/cụ của mình chụp nữa. Chiến tranh và những thăng trầm của lịch sử, thêm vào đó là sự thiếu quan tâm của con cháu khiến cho những bức ảnh của Dieulefils bị thất lạc nhiều, nhất là sau khi cụ mất và ngôi nhà của cụ ở vùng Bretagne được bán lại cho người khác. Ông Labastire cho biết, công việc tìm kiếm, sưu tầm được ông tiến hành từ hơn bảy năm nay, bắt đầu từ những kho lưu giữ đồ đạc của gia đình, lần theo dấu vết của những người quen, tìm đến các hiệu sách cổ, các chợ bán đồ cũ và cả tìm kiếm trên mạng Internet. Dấu hiệu để nhận biết các bức ảnh và bưu thiếp của nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Đông Dương chính là dấu triện son rất đặc trưng mang hình chiếc lư hương nhỏ, kèm theo mã số và địa danh mà Pierre Dieulefils luôn có thói quen ghi chú trên mỗi tác phẩm của mình. Hiện ông Lionel Labastire đã tìm kiếm và tập hợp được hơn 2.500 tấm ảnh gốc và bưu thiếp, trong số đó có khoảng 100 bức ảnh in trên giấy cát (albumin) và khoảng 200 bức ảnh in trên giấy mịn. Đây là những tác phẩm gốc duy nhất của P.Dieulefils còn lưu giữ lại được cho đến nay. Khi sưu tập và lưu giữ những bức ảnh và bưu thiếp của Dieulefils, ông Labastire chỉ muốn gìn giữ những tác phẩm của cụ ngoại mình, nhưng ông đâu có ngờ mình đang sở hữu một tài sản văn hóa tinh thần vô cùng quí giá. Xét về giá trị vật chất, kho tư liệu hơn 2.500 tác phẩm của Pierre Dieulefils có thể mang lại cho ông Labastire một cuộc sống khá giả bởi vì mỗi chiếc bưu thiếp của nhà nhiếp ảnh nổi tiếng này được chào bán với giá 20-30 euro, một bức ảnh gốc trị giá từ 800-1.000 euro, thậm chí cao hơn thế. Xét về giá trị tinh thần, tuyển tập này có thể coi là một kho tư liệu ảnh cổ vô cùng quí giá, giúp người xem có một cái nhìn khái quát và tổng thể về đời sống, văn hóa và lịch sử Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Để gìn giữ và bảo tồn kho tàng quí giá đó, ông Labastire đã học cách bảo quản ảnh gốc, số hóa hàng ngàn bức ảnh về Đông Dương, sắp xếp và phân loại ảnh và bưu thiếp theo từng thời kỳ, từng chủ đề. Để giới thiệu về thân thế và sự nghiệp, cũng như những tác phẩm của Pierre Dieulefils, ông đã cho xây dựng một trang web tại địa chỉ : http://www.pierre-dieulefils.com đồng thời tổ chức những buổi triển lãm nhỏ về các tác phẩm của nhà nhiếp ảnh hàng đầu ở Đông Dương. Chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về tâm nguyện của mình, ông Labastire mong rằng có thể phối hợp với một cơ quan chức năng nào đó về phía Việt Nam để tổ chức và giới thiệu những bức ảnh và những tấm bưu thiếp cổ của Pierre Dieulefils, đặc biệt là trong năm nay, khi Việt Nam tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Nhà nhiếp ảnh Pierre Dieulefils, tên đầy đủ là Pierre-Marie Alexis Dieulefils, sinh năm 1862 ở Malestroit thuộc vùng Bretagne, miền bắc nước Pháp. Ông biết đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1885 khi đi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Sau khi giải ngũ trở về nước, năm 1888, ông trở lại Việt Nam với tư cách là nhà nhiếp ảnh và gắn bó với mảnh đất này trong suốt hơn 30 năm sau đó.

Dieulefils là người đầu tiên phát hành ra thế giới những tấm bưu thiếp về Việt Nam. Được mệnh danh là "Nhà nhiếp ảnh thám hiểm," ông đã đi suốt chiều dài đất nước, gặp gỡ mọi tầng lớp dân cư, thu vào ống ngắm nhiều danh lam thắng cảnh, và những nét sinh hoạt của đời sống văn hóa và tinh thần của người dân Việt thời bấy giờ. Cũng nhờ đó, Dieulefils đã đoạt được nhiều giải thưởng và huy chương vàng tại các cuộc triển lãm ảnh quốc tế ở châu Âu trong giai đoạn 1889-1910.
(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục