Cần mở rộng phạm vi Luật Sử dụng năng lượng

Nhiều đại biểu QH đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng các chính sách của Nhà nước về sử dụng năng lượng.
Chiều 19/11, đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, cho ý kiến vào dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Nhiều đại biểu khác bày tỏ đồng tình về sự cần thiết phải ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bởi sau 6 năm thi hành Nghị định số 102/2003/NĐ-CP ngày 3/9/2003 của Chính phủ về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã đạt được một số kết quả bước đầu nhưng cũng đã bộc lộ không ít bất cập.

Đó là hiệu lực pháp lý của văn bản chưa cao; các biện pháp đề ra chủ yếu mang tính khuyến khích, chưa có chế tài đủ mạnh; các thể chế tài chính chưa được hình thành để khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại Trung ương và địa phương còn bất hợp lý, thiếu đồng bộ.

Đại biểu Ngô Văn Minh và nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với nhận định của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về tình trạng lãng phí và sử dụng không hiệu quả năng lượng ở Việt Nam.

Nguyên nhân chủ yếu do nhiều cơ sở sử dụng năng lượng có công nghệ lạc hậu, tiêu hao năng lượng còn cao. Việt Nam còn thiếu điện nên việc duy trì ổn định công suất cần thiết cho nhu cầu sử dụng còn hạn chế; điện bị cắt giảm thường xuyên; hệ thống thiết bị, đường dây truyền tải ở một số khu vực đã quá cũ, chưa được thay thế cũng là một nguyên nhân lãng phí làm giảm hiệu quả sử dụng năng lượng.

Mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chưa đặt ra đúng tầm quan trọng và ý nghĩa của vấn đề; vì vậy chưa có hệ thống quy phạm pháp luật đủ mức cần thiết cũng như công tác quản lý sử dụng năng lượng còn nhiều bất cập.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng các quy định, chính sách của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nguồn năng lượng không chỉ có điện, than, mà còn năng lượng của mặt trời, gió, thuỷ điện, thuỷ triều... và cần đưa vào phạm vi điều chỉnh.

Theo Tổng Bí thư, an ninh năng lượng không chỉ là vấn đề lớn của Việt Nam, mà còn là vấn đề lớn của các nước trên thế giới. Nhiều nước đã có chương trình tổng thể tiết kiệm năng lượng, Việt Nam cũng cần có chương trình quốc gia về sử dụng tiết kiệm năng lượng.

Các đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Ngô Văn Minh và nhiều đại biểu đề nghị cần chỉnh sửa, hoàn thiện một số nội dung để Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống khi được ban hành.

Cần làm rõ các khái niệm, giải thích từ ngữ phải dễ hiểu, chuẩn xác để mọi người dân có thể hiểu và thực hiện, cần giảm bớt các quy định mang tính chính sách, xác định rõ phạm vi, loại hoạt động nào là khuyến khích, loại hoạt động nào bắt buộc phải áp dụng biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vẫn mang tính chất luật khung, chỉ có 46 điều, nhưng có tới 18 điều giao cho Chính phủ quy định. Các đại biểu cho rằng dự thảo Luật còn thiếu 2 nội dung quan trọng, đó là đánh giá tổng kết 6 năm thực hiện Nghị định số 102/2003/NĐ-CP của Chính phủ và dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật.

Dự thảo Luật chưa nêu được chế tài cụ thể để làm chuyển biến nhận thức và hành động trong các tầng lớp nhân dân, nhất là các công ty xí nghiệp, nhà máy... sử dụng nhiều năng lượng. Trong Luật cần nêu rõ hành vi nào vi phạm sử dụng tiết kiệm năng lượng và có chế tài nhất định để xử lý các sai phạm.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng nội dung dự thảo Luật vẫn mang tính hô hào. Trong dự thảo Luật còn quá nhiều những từ “tăng cường”, “đẩy mạnh”, không phù hợp với một văn bản luật.

Nhiều đại biểu đề nghị Luật điều chỉnh các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong toàn bộ quá trình bắt đầu từ khai thác, sản xuất ra các nguồn năng lượng cho đến khâu sử dụng năng lượng cuối cùng.

Luật cần quy định các đơn vị kinh doanh, sản xuất buộc phải sử dụng công nghệ tiên tiến để thực hiện tiết kiệm năng lượng. Một số đại biểu cho rằng không nên đưa Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào Luật. Chương trình này nên được thực hiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục