Bangladesh cố cứu cây Talipalm khỏi tuyệt chủng

Hạt cây Talipalm ở Bangladesh có thể dùng chữa các căn bệnh như thương hàn và tiêu chảy, làm giảm quá trình lão hóa của con người.
Các giảng viên và sinh viên trường Đại học Dhaka ở Bangladesh đang nỗ lực bảo tồn cây Talipalm khỏi tuyệt chủng.

Loài Talipalm hiện chỉ còn một cây độc nhất vô nhị ở trường này, hạt của nó có thể dùng làm thuốc.

Theo ông Abul Hasan, Trưởng Khoa Thực vật học thuộc trường Đại học Dhaka, cây Talipalm có tên khoa học là Corypha Taliera Roxburgh. Những cây Talipalm mọc tự nhiên cuối cùng được tìm thấy trong khuôn viên của trường vào những năm 1970, cây duy nhất còn lại hiện cao 9,1m.

Cây Talipalm được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1919 và được xem là loại cây đặc trưng của vùng Bengan, nhưng nó đã nhanh chóng biến mất do đặc tính chỉ ra hoa và quả một lần rồi chết. Do đó, khi cây Talipalm còn lại duy nhất này ra hoa hồi đầu năm 2010, các giảng viên, sinh viên của trường đã nỗ lực bảo tồn bằng cách thu nhặt hạt để gây giống 500 cây non.

Qua thử nghiệm ban đầu, Khoa Dược của trường đã phát hiện hạt cây Talipalm có thể dùng để chữa các căn bệnh như thương hàn và tiêu chảy. Hơn thế nữa, những hạt này còn chứa chất chống ôxi hóa, làm giảm quá trình lão hóa của con người.

Khoa Dược đang tiếp tục tiến hành nghiên cứu hạt cây Palipalm để điều chế thuốc.

Cây Talipalm cũng nằm trong danh sách bảo tồn của Liên minh quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục