Phối hợp giữa Hải quan và Biên phòng còn hạn chế

Công tác phối hợp chống buôn lậu gữa hải quan và bộ đội biên phòng còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.

Nhiều năm qua, ngành hải quan cùng với bộ đội biên phòng đã tích cực phối hợp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu.

Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, lực lượng hai bên đều cho rằng, mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng công tác phối hợp vẫn còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.

Kết quả còn khiêm tốn

Tại hội nghị tổng kết 10 năm về thực hiện quy chế phối hợp giữa lực lượng bộ đội biên phòng và Hải quan được tổ chức mới đây tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, các đại biểu đều cho rằng, hai lực lượng này mới chỉ tập trung nhiều vào vấn đề phối hợp kiểm tra, kiểm soát và làm thủ tục xuất, quá cảnh trong khi đó kết quả của công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại còn hạn chế.

Cụ thể, hai lực lượng trên đã kiểm tra, kiểm soát xuất nhập khẩu cho 37.735 lượt chuyến tàu với hơn 254 triệu tấn hàng hóa xuất nhập khẩu các loại. Trong khi đó, số vụ hàng hóa trái phép kinh doanh hàng nhập lậu bị bắt giữ chỉ dừng ở con số khiêm tốn là 5 vụ; không khai báo hải quan đối với hàng tạm nhập tái xuất là 2 vụ; buôn lậu là 7 vụ.

Ngoài Vũng Tàu, Đồng Nai thì Đồng Tháp cũng xảy ra tương tự vậy. Qua 10 năm phối hợp làm thủ tục nhập xuất cảnh cho gần 40.000 lượt phương tiện (tàu thuyền, xe), trên 12.000 lượt hành khách, hai lực lượng đã kiểm soát bắt 230 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trị giá trên 1,8 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, qua công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa hai bên, nhiều địa phương cho rằng tình trạng buôn lậu, trộm cắp tại các cảng biển ngày càng tinh vi và liều lĩnh. Nhiều đối tượng lợi dụng trời tối dùng tàu cá, xà lan để sang mạn chuyển tải hàng hóa. Một số trường hợp buôn lậu xăng dầu móc nối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đưa tàu, xà lan ra vùng biển xa để chuyển tải và nhanh chóng hợp thức hóa giấy tờ khi bị phát hiện. Nhiều đối tượng còn liều lĩnh lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý lén lút dùng ghe máy hoặc ghe chèo tay để trộm cắp hàng hóa, vật tư, sắt thép...

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Công Hiếu, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết băng nhóm trộm cắp tài sản trên tàu chủ yếu là đối tượng ở nơi khác đến, chúng thuê nhà trọ khu vực hẻo lánh, mua phương tiện xuồng neo đậu khu vực lực lượng biên phòng ít có điều kiện kiểm tra.

Lợi dụng đêm tối, những đối tượng này trèo lên tàu chở hàng lớn trộm cắp tài sản, thậm chí dùng cả hung khí để tấn công lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Do vậy, công tác đấu tranh chống buôn lậu đặc biệt khó khăn vì biển rộng, phương tiện chống lậu hạn chế và đặc biệt khi bị lực lượng chức năng phát hiện, nhiều tàu chở hàng lậu còn chống trả quyết liệt hoặc ném tang vật xuống biển để phi tang...

Từng bước nâng cao hiệu quả phối hợp

Hiện nay, phương thức thủ đoạn của đối tượng buôn lậu, gian lận ngày càng tinh vi với trang thiết bị hiện đại. Trong khi đó, trang thiết bị của lực lượng chức năng thực sự chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Công tác nắm thông tin quản lý các loại đối tượng trên khu vực cửa khẩu còn nhiều khó khăn do hầu hết hoạt động của chúng đều dưới mắt xích được nối dài từ tỉnh này đến tỉnh khác đã gây nhiều khó khăn cho công tác phối hợp.

Trong khi đó, hệ thống cảng biển mà hai lực lượng bộ đội biên phòng và hải quan của hai tỉnh đang phụ trách là khá rộng. Cụ thể, tổng số cảng đang quản lý là 47 trong đó có 44 cảng quốc tế; 3 cảng nội địa; 17 dự án cảng đang tiếp tục được triển khai thi công. Hàng năm lưu lượng người, phương tiện, hàng hóa xuất nhập cảnh chuyển qua cửa khẩu, cảng Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai không ngừng tăng lên.

Ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, đánh giá cao sự phối hợp thường xuyên giữa lực lượng hải quan và bộ đội biên phòng. Tuy nhiên, ông Hùng cũng nhấn mạnh đến việc trong thời gian tới, hai lực lượng cần thống nhất vị trí kiểm tra, kiểm soát cụ thể và đồng bộ để tăng hiệu quả việc phối hợp.

Theo ông Hùng, các lực lượng này cần tranh thủ sự lãnh đạo của lãnh đạo địa phương để nắm quy hoạch phát triển chung, khu vực dự kiến xây dựng cảng biển quốc tế để chủ động nghiệp vụ trong công tác quản lý.

Cục trưởng Nguyễn Phi Hùng cũng cho biết, đề án nâng cao tuần tra, kiểm tra kiểm soát trên biển của ngành hải quan đã được thông qua. Theo đó, ngành sẽ có một khoản kinh phí nhất định dành cho việc mua sắm trang thiết bị tuần tra, kiểm soát trên biển.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả của sự phối hợp, nhiều địa phương cho rằng, trong thời gian tới, cấp bộ chỉ huy biên phòng tỉnh và cấp cục hải quan tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc đơn vị thuộc quyền thực hiện công tác phối hợp.

Cấp đồn, trạm biên phòng và cấp chi cục hải quan cần tổ chức giao ban, trao đổi thông tin thường xuyên hơn để rút kinh nghiệm. Hàng năm cần điều chỉnh, bổ sung tình hình xây dựng kế hoạch phối hợp theo từng chuyên án, vụ án trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới./.

Hải Yến (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục