Sĩ tử "hồi hương"

Nhiều ngả đường, bến xe ùn ứ vì sĩ tử "hồi hương"

Đợt 2 kỳ thi đại học kết thúc, thí sinh và người thân ùn ùn ra xe về quê ngay sáng nay, nhiều ngả đường, bến xe ở Hà Nội đông nghẹt.
Sau khi kết thúc các môn thi Đại học đợt 2, thí sinh và người nhà ùn ùn đổ xô về bến xe để bắt đầu hành trình “dời đô” về quê. Mọi ngả đường đều rẽ về bến xe khiến lưu lượng giao thông gia tăng đột biến, tình trạng ùn ứ cục bộ đã diễn ra nhiều tuyến đường ở gần bến xe.

Tuy nhiên, theo nhận định chung của ban quản lý các bến xe, tình trạng khách dồn về bến cũng không đồng đều mà chỉ tập trung trong giờ cao điểm sau thi.

Mọi ngả đường đều rẽ về bến xe

Như đã được dự báo từ trước, trưa nay, hầu hết những con đường lớn ở Hà Nội đều rơi vào tình trạng ùn tắc cục bộ.

Bắt đầu từ 9 giờ 30 sáng, ngay khi môn thi cuối cùng của đợt thi thứ 2 kết thúc, các bến xe lớn của Hà Nội: Giáp Bát, Nước Ngầm, Lương Yên, Mỹ Đình… rất đông sỹ tử và người nhà ùn đến bắt xe về quê.
 
Lượng người đổ ra đường dồn dập và cùng một thời điểm đã gây ra cảnh ùn tắc cục bộ trên một số tuyến đường nhỏ hẹp và các tuyến đường dẫn ra bến xe của Hà Nội như: Chùa Bộc, Tây Sơn, Đê La Thanh, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Xuân Thủy, Hồ Tùng Mậu.... Người thân đón sĩ tử đứng tràn cả ra lòng đường làm cho việc đi lại gặp nhiều khó khăn.

Tại dọc trục đường Khuất Duy Tiến-Phạm Hùng, giao thông ùn tắc cục bộ, lượng phương tiện gia tăng, đổ xô cùng một thời điểm khi thí sinh "rời kinh" đã khiến cả đoạn đường này ùn tắc cục bộ.

Trên nhiều tuyến đường có điểm thi, tình trạng ùn ứ cũng diễn ra tương tự, các phương tiện phải chen chân, nhích từng bước, còi xe inh ỏi khiến cho cả tuyến đường náo loạn.

Theo ghi nhận của chúng tôi, càng gần trưa, số lượng sỹ tử và người nhà đổ đến các bến xe ngày càng đông.

Ngồi đợi xe trong ghế chờ của bến xe Giáp Bát, chị Vũ Thị Hạnh (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) kể, sáng sớm hôm nay khi đưa đứa con đầu lòng đến điểm thi Đại học Khoa học Xã hội Nhân Văn để thi nốt môn Địa, chị đã tất tả gói ghém đồ đạc, chực đợi con thi xong sẽ ra ngay bến xe phía Nam để “xuôi” về quê.

“Ở nhà chỉ còn mỗi bố nó, bao nhiêu việc đồng áng đang để đấy, hơn nữa ở lại ngày nào là tốn kém ngày đó nên sau khi thi xong, hai mẹ con quyết định “hồi hương” ngay để cho cháu nghỉ ngơi cũng như còn chăm lo công việc nhà cửa,” chị Hạnh giãi bày.

Thế là, hai mẹ con chị balô trên tay, cố vượt qua cảnh chen chúc.

Phải đợi xe buýt mất hơn 30 phút chị Hạnh mới lên xe được, bởi khi xe dừng tại các điểm, rất đông sĩ tử và người nhà nhanh chân ùn đẩy nhau lên nên chỉ qua vài trường đại học tình trạng “nghẽn” người trên xe đã diễn ra.

Các tuyến xe buýt nêm cứng người, mỗi khi xe về bến, hành khách ào ra. Khi khách xuống, xe lập tức quay đầu để tiếp tục giải tỏa khách tại các điểm chờ trên nhiều tuyến phố.

Lượng khách cao điểm sau thi

Dù thời tiết khá dịu nhưng sĩ tử và người thân vẫn hối hả, vội vã, với những tâm trạng khác nhau, buồn vui, lo âu... đan xen.

Tại bến xe, trong nhà chờ và khu vực ra xe, thí sinh và phụ huynh có phần chiếm áp đảo trong số người chờ xe. Quầy bán vé đông nghịt. Trước cửa nhà chờ, hành khách ngồi la liệt.

Kiểm tra lại hành lý, bác Trần Khánh, Đông Hưng, Thái Bình cùng cô con gái đi thi đang ngồi nghỉ ngay trước nhà chờ bến xe để về quê.

Quệt mồ hôi trên khuôn mặt đen sạm, bác Khánh cho biết, do quê bác chỉ có xe tuyến đi qua tận xã, ngày  4 xe, thời gian xuất bến khá ít. Thi xong, hai bố con vội vã ra bến bắt xe về quê để nghỉ ngơi.

“Những ngày thi này, trên xe chủ yếu là thí sinh, do xe ít nên hôm lên chủ xe mặc sức nhồi nhét, hôm nay về không biết có tái diễn tình hình này không. Các cháu đã vất vả hai ngày thi, khi lên xe lại là chặng đường gian nan vất vả với mỗi đứa,” bác Khánh ái ngại.

Với các tuyến xe về thành phố, thị xã liên tỉnh, xe vừa cập bến đã phải quay đầu do hành khách nháo nhào kiếm chỗ khi xe vừa mở cửa.

Theo ông Nguyễn Như Trúc, Giám đốc Bến xe Gia Lâm, lượng khách tập trung cao điểm nhất là sau khi thí sinh tan thi. Hành khách chủ yếu tập trung ở các tuyến cự ly ngắn như Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Giang.

“Dự kiến, lượng khách hôm nay tăng từ 20-30% so với ngày thường. Hiện tại bến chưa phải dùng đến xe tăng cường,” ông Trúc nhận định.

Ông Trúc cũng cho biết thêm: “Khi nhu cầu khách tăng quá 150% thì mới phải dùng đến lượng xe dự kiến tăng cường. Coa 40 xe dự phòng luôn túc trực trong bến, đề phòng trường hợp quá tải sẽ điều động giải tỏa hành khách tại chỗ.”

Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết: “So với thi đợt 1, lượng khách không tăng bao nhiêu. Lượng xe tăng cường tại bến cũng chưa dùng đến. Cũng giống như mọi năm, khi thi xong là thời điểm khánh đổ xô về bến để về quê.”

Tuy nhiên, theo ông Tiến, năm nay, thí sinh và người thân tại các xã địa phương đã tìm cách thuê xe tự lo việc đi về nên tình trạng sĩ tử và người nhà vào bến bắt xe cũng không nhiều.

“Ngoài ra, do các môn thi kết thúc với những khung giờ khác nhau, nhiều thí sinh còn tranh thủ đợt thi xong ở lại chơi  nhà người quen và thăm thú Thủ đô mấy ngày nên lượng khách phân bố không đồng đều. Có thể đông vào sáng ngày mai,” ông Tiến đoán.

Thật là một hành trình nhiều vất vả, nhọc nhằn với sĩ tử và người thân ngoại tỉnh khi lên thành phố thi, với bao nỗi lo  cơm áo, gạo tiền và cả chuyện tàu xe đi lại nữa./.

Nhóm PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục