Nhà máy thủy điện Sơn La đang tiến gần về đích

Thời điểm phát điện thương mại tổ máy số 1 đang đến gần và đó cũng là mốc quan trọng để hoàn thành cônh trình này vào năm 2012.
Theo Ban Quản lý thủy điện Sơn La, từ sau thời điểm đóng cống dẫn dòng, tích nước hồ thủy điện Sơn La (ngày 15/5 vừa qua), đến nay các nhà thầu đang tiếp tục thi công để hoàn thành lắp đặt rotor máy phát trong tháng Tám, chạy thử các hệ thống thiết bị phụ trong tháng 11 và công tác bêtông đáp ứng cho việc tích nước năm 2010…

Có thể khẳng định việc chặn dòng sông Đà, tích nước hồ thủy điện Sơn La là bước đi quan trọng để tổ máy số 1 (công suất 400MW) Nhà máy thủy điện Sơn La phát điện đúng tiến độ vào tháng 12 năm nay.

Việc phát điện tổ máy 1 sớm 2 năm so với tiến độ ban đầu không chỉ làm lợi cho đất nước khoảng 2 triệu USD, mà còn góp phần khắc phục tình trạng thiếu công suất của hệ thống điện vào mùa khô 2011.

Thời điểm phát điện thương mại tổ máy số 1 đang đến gần và đó cũng là mốc quan trọng để hoàn thành toàn bộ công trình vào cuối năm 2012.

Chặn dòng sông Đà (tích nước hồ chứa Sơn La) không chỉ quyết định đến tiến độ phát điện tổ máy số 1 Nhà máy thủy điện Sơn La mà còn đảm bảo cho việc chống lũ năm 2010. Vì vậy, ngay từ tháng 8/2009 (trước thời điểm chặn dòng 10 tháng), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án Thủy điện Sơn La đã giao nhiệm vụ các địa phương và bộ, ngành hữu quan, hoàn thành các công việc liên quan trước ngày 31/3/2010, như khai quật và di chuyển các di tích khảo cổ, di chuyển, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa Bia Lê Lợi, khu nhà Đèo Văn Long…

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng phương án đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống với phương án tích nước hồ chứa thủy điện Sơn La vào tháng 5/2010. Đây là thời điểm khó khăn nhất về cung cấp điện của mùa khô năm 2010.

Trong phương án chặn dòng, tích nước hồ chứa Sơn La, phù hợp với tiến độ thi công hạng mục công trình, EVN đã tính toán kỹ tới tác động từ việc tích nước khiến cho sản lượng khai thác từ Hòa Bình giảm 110 triệu kWh trong tháng Năm.

Nếu chặn dòng vào tháng 6/2010 sẽ rất khó khăn và chứa đựng nhiều rủi ro. Bởi tốc độ dâng nước ở vào thời điểm này nhanh có thể gây nguy cơ sạt lở vùng bờ hồ. Ngoài ra, nếu chặn dòng, tích nước thực hiện vào tháng Sáu, quá sát với mùa lũ, không có thời gian dự phòng cho các tình huống không lường trước.

Trong trường hợp không thực hiện được theo kế hoạch sẽ phải lùi việc chặn dòng, tích nước hồ chứa tới đầu mùa kiệt tiếp theo.

Như vậy, ngoài ảnh hưởng tới kế hoạch phát điện tổ máy số 1 thì việc dừng thi công đập bêtông đầm lăn-RCC trong nửa năm còn có thể gây hư hỏng cống dẫn dòng trong mùa lũ 2010 và gây nhiều khó khăn hơn cho công tác chặn dòng, tích nước hồ chứa sau đó.

Diễn biến hàng năm, thường sau ngày 20/5 xuất hiện lũ tiểu mãn với lưu lượng trong sông khoảng trên 3000m3/s. Tuy nhiên, năm nay đến thời điểm này mới chỉ có một lần có lưu lượng lớn nhất đo được trong thời gian ngắn là 1750m3/s, còn lại lưu lượng trong sông chỉ trung bình từ 900-1200m3/s.

Lưu lượng nước về rất thấp nên hiện nay công trình đang mở toàn bộ 12 cửa xả sâu, mực nước trên hồ duy trì ở cao độ 150m và toàn bộ nước về đều trả về hồ Hòa Bình qua 12 cửa xả sâu.

Do tầm quan trọng cũng như tính cấp bách của công trình Nhà máy thủy điện Sơn La trong hệ thống điện ở giai đoạn nền kinh tế Việt Nam đang có những bước phát triển hội nhập nên đây là công trình thủy điện duy nhất do Quốc hội giám sát và được Thủ tướng Chính phủ cho phép tiến hành khởi công cũng là thời điểm ngăn sông đợt 1.

Với 5 bậc thang thủy điện bao gồm các Nhà máy thủy điện Hòa Bình (1.920 MW), Sơn La (2.400 MW), Lai Châu (1.200 MW), Huội Quảng (520 MW) và Bản Chát (180 MW), sông Đà đã trở thành con sông cung cấp nguồn thủy điện lớn nhất cả nước, lên tới khoảng 6.000 MW điện vào năm 2015./.

Mai Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục