Giá phân bón biến động nhẹ những tháng cuối năm

Giá phân bón trong nước dự báo biến động nhẹ những tháng cuối năm do nhu cầu phân bón phục vụ sản xuất vụ mùa và vụ Đông Xuân.
Giá phân bón trong nước dự báo sẽ biến động nhẹ trong những tháng cuối năm do nhu cầu phân bón phục vụ sản xuất vụ mùa và vụ Đông Xuân.

Ước tính, nguồn cung trong nước đạt khoảng 3,6 triệu tấn, trong khi lượng phân bón sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 2,5 triệu tấn, như vậy các doanh nghiệp sẽ phải nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn.

Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết cung và cầu trên thị trường phân bón trong những tháng cuối năm sẽ không có biến động lớn do các nhà máy sản xuất phân bón trong nước hoạt động trở lại và tăng công suất nên nhu cầu phân bón như urê, NPK và một số loại khác có khả năng sẽ đáp ứng đủ.

Bên cạnh đó, vụ đông xuân trên thế giới chỉ còn khâu bón lót nên giá phân bón thế giới dự báo sẽ giảm. Riêng phân DAP thì vẫn ở mức cao do giá thế giới tăng, nhưng dự báo nhu cầu trong nước sẽ không thiếu lắm.

Về thực trạng giá phân bón thế giới hiện cao hơn trong nước, tiến sỹ Nguyễn Huy Phiên, Viện Khoa học Công nghiệp Việt Nam nhận định thế giới sản xuất phân bón từ khí thiên nhiên, dầu với khí liên quan mật thiết với nhau vì vậy giá dầu lên thì giá khí cũng lên, còn tại Việt Nam thì phân bón được sản xuất một nửa từ khí, một nửa từ than nên giá trong nước hiện thấp hơn so với giá thế giới.

Phân bón là một trong những mặt hàng chiến lược phục vụ cho sự phát triển của nông nghiệp và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đồng thời có thể xuất khẩu trong bối cảnh diện tích canh tác ngày càng bị thu hẹp do biến đổi khí hậu, đô thị hóa… ngành phân bón Việt Nam phấn đấu đến năm 2020, hình thành hệ thống sản xuất phân bón công nghệ hiện đại, quy mô lớn và hệ thống phân phối an toàn, hiệu quả nhằm cung ứng đủ về số lượng và chủng loại phân bón với chất lượng tốt, giá cả hợp lý.

Theo đó sẽ dần dần đáp ứng nhu cầu về phân đạm, phân lân, phân kali, các loại phân bón trung lượng và vi lượng; tổ chức hệ thống các cơ sở sản xuất phân hỗn hợp NPK hợp lý, chất lượng tốt phù hợp với yêu cầu của từng đối tượng cây trồng, từng vùng đất; bố trí hệ thống phân phối an toàn, đảm bảo cung ứng kịp thời các loại phân bón cho nông dân; đảm bảo ổn định thị trường phân bón trong nước./.

Hoàng Linh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục