Tạo xung lực mới cho mối quan hệ Việt Nam-LB Nga

Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Phạm Xuân Sơn khẳng định chuyến thăm Nga của Thủ tướng sẽ tạo xung lực mới cho quan hệ Việt-Nga.
Theo phóng viên TTXVN tại Mátxcơva, nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 12-15/5, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Phạm Xuân Sơn đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo mạng Nga, Inforos về quan hệ Việt-Nga.

[Thủ tướng thăm chính thức Liên bang Nga và Belarus]

Đại sứ Phạm Xuân Sơn cho biết chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không nằm ngoài mục đích thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam-Liên bang Nga, đưa mối quan hệ này ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn với nhiều nội hàm phong phú.

Trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hồi năm ngoái, hai bên đã ký kết một loạt văn kiện, thoả thuận và chương trình hợp tác nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc phát triển quan hệ Việt-Nga.

Chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ góp phần hiện thực hóa các thỏa thuận đã đạt được giữa nguyên thủ quốc gia hai nước.

Trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev sẽ thảo luận và ký kết một số thỏa thuận mới nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trên mọi lĩnh vực chính trị-xã hội, an ninh-quốc phòng, kinh tế-thương mại, khoa học, giáo dục,….

Cụ thể, hai bên sẽ thoả thuận các biện pháp nhằm nâng kim ngạch thương mại song phương lên 7 tỷ USD vào năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân; tiếp tục hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của các doanh nghiệp Nga trên thềm lục địa Việt Nam phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; thống nhất thành lập Đại học Công nghệ Việt-Nga tại Hà Nội; khuyến khích hợp tác giữa các địa phương của hai nước; trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm,...

Đại sứ Phạm Xuân Sơn cho biết trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã tăng liên tục, đạt 2,5 tỷ USD năm 2011, tăng 25% so với năm 2010 và đạt 3,6 tỷ USD trong năm 2012, tăng 20% so với năm 2011.

Có được sự tăng trưởng như vậy trước hết phải kể đến quyết tâm cao của lãnh đạo hai nước; sự chủ động, tích cực của các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, việc hành lang pháp lý thương mại ngày càng hoàn thiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trao đổi, buôn bán giữa hai nước.

Hai bên thường xuyên duy trì cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại, thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Việt-Nga, công nhận lẫn nhau có nền kinh tế thị trường và đang đàm phán thành lập Khu vực mậu dịch tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nước Liên minh thuế quan gồm Nga, Belarus và Kazakhstan.

Ngoài ra, sự năng động và chủ động của các doanh nghiệp hai nước cũng góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại song phương. Hai bên đều nhận thấy tiềm năng hợp tác kinh tế còn rất lớn. Việt Nam có lợi thế về nông nghiệp, thủy sản, may mặc,… trong khi các doanh nghiệp Nga có lợi thế về dầu khí, khoáng sản, công nghiệp chế biến,….

Hiện Việt Nam có 16 dự án đầu tư tại Nga với tổng số vốn hơn 1,7 tỷ USD. Nga có 93 dự án tại Việt Nam với tổng giá trị hơn 2,07 tỷ USD.

Việc Nga cấp khoản tín dụng 10 tỷ USD cho Việt Nam để thực hiện những dự án có quy mô lớn trong những năm tới sẽ góp phần làm gia tăng đáng kể kim ngạch thương mại song phương.

Trong cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước, hóa chất, kim loại, xăng dầu, máy móc, phân bón chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động xuất khẩu của Nga sang Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu sang Nga chủ yếu các sản phẩm nông nghiệp, cao su, thủy-hải sản, giày dép, hàng dệt may, máy tính, điện thoại di động,...

Tháng 9/2012, bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Vladivostok, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chính thức tuyên bố khởi động đàm phán về FTA giữa Việt Nam và Liên minh thuế quan.

Ngày 19/12/2012, tại Hội nghị Hội đồng cấp cao kinh tế Á-Âu diễn ra ở Mátxcơva, các tổng thống ba nước Liên minh thuế quan là Nga, Belarus và Kazakhstan đã thông qua Quyết định số 27 về việc bắt đầu đàm phán FTA với Việt Nam.

Hai bên đã thành lập đoàn đàm phán ở cấp bộ trưởng. Tháng 4/2013, tại Hà Nội đã diễn ra vòng đàm phán thứ nhất về vấn đề này. Đây sẽ là hiệp định FTA sâu rộng, toàn diện với 8 nhóm vấn đề thuộc nội dung đàm phán, từ thương mại, đầu tư đến chuyển dịch lực lượng lao động, sở hữu trí tuệ. Khối lượng công việc rất nhiều, nhưng các nhà đàm phán đã đề ra mục tiêu phấn đấu hoàn tất và có thể ký Hiệp định vào cuối năm 2014.

Đại sứ Phạm Xuân Sơn cho rằng đó là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu sự mở đầu cho việc hình thành mối liên kết kinh tế chặt chẽ giữa hai bên.

Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh thuế quan sẽ là hành lang pháp lý quan trọng, tạo xung lực mới dẫn đến những thay đổi về chất trong hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học kỹ thuật giữa các bên.

Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ các hoạt động thương mại và thâm nhập thị trường Liên minh thuế quan khi hầu hết các dòng thuế hàng hóa đều giảm tối đa theo lộ trình và mức giảm nhanh hơn so với cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được tiếp cận một thị trường mới với dân số khoảng 170 triệu người, tổng GDP năm 2012 đạt gần 2.732 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người 16.137 USD. Cơ cấu hàng hóa giữa Việt Nam và Liên minh thuế quan không cạnh tranh, trùng lặp mà có tính bổ trợ lẫn nhau.

Thực tế cho thấy hàng hóa của Việt Nam đã và đang được người tiêu dùng tại thị trường Liên minh thuế quan ưa chuộng. Bên cạnh đó, môi trường hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh thuế quan sẽ được cải thiện đáng kể, mở ra triển vọng thúc đẩy hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng, thăm dò và khai thác dầu khí, khai khoáng, chế biến khoáng sản, công nghiệp nhẹ,…

Ngoài ra, Việt Nam sẽ tiếp cận được những thành tựu khoa học, công nghệ, kỹ thuật hiện đại từ các nước Liên minh thuế quan có cơ sở hạ tầng khoa học phát triển và công nghệ kỹ thuật cao, có khả năng cạnh tranh với nhiều nước tiên tiến khác. Đây là cơ sở thuận lợi để Việt Nam tiếp thu kinh nghiệm tiên tiến phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Việc ký kết FTA cũng sẽ giúp giải quyết đáng kể vấn đề việc làm cho lao động Việt Nam và phát triển dịch vụ du lịch khi các quy định về đi lại được đơn giản hóa. Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu về lực lượng lao động bổ sung, kể cả lao động có tay nghề cao, cho các nước Liên minh thuế quan.

Đối với các nước Liên minh thuế quan, ngoài những lợi ích trực tiếp trong hợp tác sâu rộng với Việt Nam, về lâu dài, các nước này sẽ có cơ hội và điều kiện thâm nhập sâu hơn vào thị trường khu vực Đông Nam Á rộng lớn, giàu tiềm năng, trước hết là thị trường các nước ASEAN thông qua việc xúc tiến đàm phán FTA giữa ASEAN và Liên minh thuế quan.

Về việc Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch Nga, Đại sứ Phạm Xuân Sơn cho rằng Việt Nam có lịch sử lâu đời với nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Việt Nam nằm ở khu vực nhiệt đới, quanh năm khí hậu ấm áp. Việt Nam có bờ biển dài với nhiều cảnh đẹp cùng thảm động, thực vật phong phú, nhiều điểm nghỉ ngơi lý tưởng. Nhiều địa danh của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên và văn hóa của nhân loại. Vì thế, cùng với những truyền thống lịch sử, văn hóa và điều kiện thiên nhiên tốt, Việt Nam hiện là một trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn ở Đông Nam Á.

Đại sứ Phạm Xuân Sơn cho biết Việt Nam đang và sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm phục vụ khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới với các điều kiện tốt nhất để nghỉ dưỡng và tham quan.

Trong những năm gần đây, số lượng khách du lịch từ Nga đến Việt Nam ngày một tăng. Các công ty du lịch Việt Nam có kế hoạch đón khoảng 300.000 khách du lịch Nga trong năm nay. Người dân Việt Nam đón chào người Nga với những nụ cười chân thành, ấm áp, với tình cảm hữu nghị anh em và người bạn truyền thống.

Đại sứ Phạm Xuân Sơn cũng cho biết hiện số người Việt ở Liên bang Nga ở mức khoảng 100.000 người. Họ là những người tôn trọng pháp luật nước sở tại, không vi phạm pháp luật mang tính hình sự. Họ làm việc tự nguyện, kiếm tiền nuôi sống bản thân và gửi về giúp gia đình, sống hòa thuận với người Nga và mong muốn trở thành cầu nối của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Trong khi đó, hàng trăm công dân Nga đang làm việc trong các tập đoàn, công ty liên doanh, văn phòng đại diện, các viện nghiên cứu và các trường đại học tại Nga. Họ là những người bạn tin cậy và là sứ giả của tình hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục