Vĩnh Long cải thiện chỉ số PCI nhằm thu hút đầu tư

Tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội nghị bàn giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để đẩy mạnh thu hút đầu tư trên địa bàn.
Đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp Vĩnh Long về một môi trường đầu tư thông thoáng, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế, ngày 12/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội nghị phân tích, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2012 và bàn giải pháp năm 2013 tiếp tục duy trì, giữ vững khả năng thu hút đầu tư trên địa bàn.

Nhờ những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh Vĩnh Long đã cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2012 vươn lên đứng thứ 5 cả nước và đứng thứ 3 trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích 4 chỉ số thành phần được doanh nghiệp đánh giá cao gồm chỉ số về tiếp cận đất đai, chi phí về thời gian và việc thực hiện các quy định của Nhà nước, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh và dịch vụ hỗ trợ kinh doanh.

Đối với 2 chỉ số thành phần giảm điểm là tính minh bạch và tiếp cận thông tin và thiết chế pháp lý được các đại biểu, các sở, ngành xác định là nguy cơ ảnh hưởng đến tính bền vững của sức thu hút đầu tư trên địa bàn, phân tích nguyên nhân hạn chế qua đó từng ngành có liên quan xây dựng giải pháp cải thiện trong năm 2013.

Cục Thuế Vĩnh Long đẩy mạnh cải cách hành chính, tổ chức định kỳ các cuộc đối thoại với người nộp thuế để tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách thuế.

Sở Lao động tổ chức định kỳ sàn giao dịch việc làm tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và lao động.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các khu công nghiệp rà soát, công khai các quy hoạch, rút ngắn thời gian giao đất cho nhà đầu tư, giải quyết dứt điểm các khiếu nại của doanh nghiệp…

[Chỉ số năng lực cạnh tranh của ĐBSCL tăng vượt bậc]


Với mục tiêu trong giai đoạn 2011-2015 thu hút tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 68.375.000 triệu đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm 19%, trong đó riêng năm 2013 thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 10.000 tỷ đồng, tỉnh Vĩnh Long xây dựng 9 nhóm giải pháp trong đó tập trung nhóm giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, loại bỏ những thủ tục gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Long cũng kiến nghị với Trung ương điều chỉnh những chính sách chưa phù hợp về đất đai, tiếp cận vốn tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, thành lập Hội đồng tư vấn đầu tư tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Diệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long khẳng định năm 2013, tỉnh tập trung tháo gỡ các vướng mắc về bố trí mặt bằng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất thấp, hỗ trợ doanh nghiệp 2 ngành trọng điểm của tỉnh là sản xuất gốm và nuôi trồng thủy sản khôi phục sản xuất.

Định kỳ, tỉnh dành tuần lễ đầu tiên trong tháng để giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp nhằm xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và với các Hiệp hội, kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ có hành vi gây trở ngại, nhũng nhiễu hoặc thỏa hiệp với doanh nghiệp làm trái qui định của Nhà nước để trục lợi.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các doanh nghiệp vận dụng cơ hội tỉnh Vĩnh Long đăng cai Diễn đàn hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long MDEC - Vĩnh Long 2013 để mở rộng giao lưu, giới thiệu sản phẩm và xây dựng liên kết phát triển giữa các ngành, khu vực với phương châm “Thu hút doanh nghiệp đến và tạo điều kiện để doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh”./.

Huỳnh Kim Phượng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục