S&P: Eurozone có thể cần 1 "cú sốc tài chính" nữa

Nhà kinh tế Jean-Michael Six của Standard & Poor's cho rằng Eurozone cần "cú sốc tài chính" nữa để thúc khối này sớm hành động.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's ngày 12/12 gia tăng thêm sức ép lên khu vực đồng euro (Eurozone) với tuyên bố thời gian để khối đồng tiền chung này giải quyết các vấn đề nợ nần đã "sắp hết," đòi hỏi sự hành động nhanh chóng cả về tài khóa lẫn tiền tệ, và có lẽ Eurozone cần một "cú sốc tài chính" nữa để thúc giục khối này sớm hành động.

Nhà kinh tế chủ chốt Jean-Michael Six của S&P, người đã làm chao đảo các thị trường tài chính trong tuần trước khi thông báo đưa 15 nước Eurozone vào danh sách những nước có tiềm năng bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm, nói rằng hiệp ước tài chính đạt được tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels hồi tuần trước là bước tiến quan trọng, nhưng chưa đủ.

Nhận định nói trên của S&P về kết quả của hội nghị thượng đỉnh EU lần này đối với việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đã nhận được sự đồng tình của hai hãng xếp hạng tín nhiệm khác là Moody's Investors Service và Fitch.

Cũng trong ngày 12/12, Moody's Investors Service cho hay hãng dự định sẽ hoàn tất việc đánh giá lại tất cả các nước EU trong quý I/2012. Tháng 11 vừa qua, hãng này đã tuyên bố sẽ phải xem xét lại mức xếp hạng tín nhiệm về nợ đối với tất cả các nước EU nếu các điều kiện thị trường tín dụng không bình ổn trong tương lai gần. Moody's ngày 12/12 cũng cảnh báo có thể hạ mức xếp hạng tín nhiệm đối với một loạt ngân hàng của Tây Ban Nha căn cứ trên khả năng thua lỗ của các ngân hàng này.

Thông thường phải 3 tháng sau khi ra lời cảnh báo, S&P mới hành động, nhưng trong trường hợp này, S&P cho biết có thể sẽ ra quyết định nhanh chóng hơn. Ngoại trừ Anh, 26 nước thành viên EU còn lại cuối tuần qua đã nhất trí hội nhập kinh tế sâu và rộng hơn. Tuy nhiên, với kết quả đạt được, các thị trường tài chính còn khá mù mờ về việc liệu EU có hành động một cách quyết đoán hơn để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ hiện nay và nếu có thì sẽ thực hiện vào thời điểm nào. Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu bắt đầu từ Hy Lạp, sau đó lan dần sang Bồ Đào Nha, Ireland, Italy, Tây Ban Nha và hiện đang đe dọa Pháp, thậm chí cả nền kinh tế lớn nhất Eurozone là Đức.

Nhà kinh tế Six của S&P cho hay lời cảnh báo hạ mức xếp hạng tín nhiệm từ S&P là nhằm gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng các nước Eurozone đang đối mặt với nguy cơ lớn sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới và đối mặt với tình trạng khan hiếm tín dụng. S&P sẽ không đưa ra quyết định về xếp hạng tín nhiệm hoàn toàn dựa trên kết quả hội nghị thượng đỉnh EU tuần qua. Theo ông Six, EU sẽ còn phải tiến hành nhiều hội nghị như thế trước khi giải quyết được cuộc khủng hoảng nợ hiện nay./.

Như Mai (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục