Khối FDI lại than phiền

Khối FDI lại than phiền về thuế, thủ tục hành chính

Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI có dấu hiệu chậm lại, ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% của cả nước.
Giữ vị trí dẫn đầu về xuất khẩu trong cả nước song những tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có dấu hiệu chậm lại.

Bộ Công thương cũng dự báo, nếu không có giải pháp tích cực, sẽ khó đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10%  trong năm 2013.

Khổ vì thủ tục hải quan

Tại buổi tọa đàm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI do Bộ Công Thương tổ chức ngày 14/5 tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài những lo ngại về thị trường thì các vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế và công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển… đang gây rất nhiều áp lực cho doanh nghiệp.

Công ty Canon đã đầu tư và hoạt động tại Việt Nam được 12 năm, chuyên sản xuất máy in phục vụ cả tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, thủ tục hải quan quá rườm rà khiến doanh nghiệp tốn rất nhiều thời gian và chi phí đi lại.

Đại diện công ty này cho biết, mặc dù Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư 105/2011/TT-BTC, theo đó những doanh nghiệp ưu tiên sẽ được miễn kiểm tra trực tiếp hàng hóa, thực hiện hải quan điện tử 24/24 giờ suốt các ngày trong tuần; hoàn thuế trước, thanh khoản trước, kiểm tra sau; khai hải quan một lần để xuất nhập khẩu nhiều lần... nhưng trong thực tế, doanh nghiệp này vẫn phải làm rất nhiều thủ tục hải quan.

Sự rườm rà trong thủ tục hành chính cũng là một thử thách đối với nhiều nhà đầu tư khác, đại diện Công ty LG Việt Nam kêu ca “chúng tôi muốn đơn giản hóa thủ tục hải quan và xuất nhập khẩu nhưng cơ chế hải quan còn nhiều chỗ chưa đồng bộ.”

Cụ thể hơn, theo ông Trần Minh Tuân, Giám đốc chuỗi cung ứng công ty LG VietNam thì việc tái xuất những mặt hàng không đủ điều kiện sản xuất, bị lỗi do quá trình vận chuyển, gặp quá nhiều phiền toái.

Dẫn chứng là hải quan ở vùng  này cho cho phép tái xuất nhưng vùng khác lại không, do vậy doanh nghiệp lại phải xin ý kiến Bộ Công Thương một lần nữa mới hoàn chỉnh được giấy phép.

"Cần có chính sách ưu tiên và giảm đầu mối liên hệ để giúp doanh nghiệp có lượng xuất khẩu tốt được giảm bớt những thủ tục không cần thiết," ông Tuân kiến nghị.

Đến điều kiện đầu tư

Hiện nay, nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài dù đã được cấp phép nhưng sau khi đi vào hoạt động vẫn phải đối mặt với sự thiếu hụt về nhân công và trình độ lao động chuyên nghiệp. Đây được coi là một “điểm nghẽn” lớn chặn dòng FDI chảy vào Việt Nam.

Ngoài ra, việc chậm phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam còn làm cho các doanh nghiệp mất đi một khối lượng giá trị rất lớn do phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài.

Đại diện Công ty Canon Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương cần xem xét những chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể là có chính sách về ưu đãi  thuế, đầu tư về cơ sở hạ tầng... giúp doanh nghiệp có động lực phát triển sản xuất.

"Chúng tôi khát khao nhập được các linh kiện và thiết bị ngay tại trong nước để tiết kiệm chi phí," đại diện Công ty Canon cho hay.

Trước những lo lắng của các doanh nghiệp FDI, tại buổi tọa đàm, đại diện Tổng Cục Hải quan cũng giải đáp một phần thắc mắc cho doanh nghiệp, trong đó thông tin về những chính sách mới giúp hàng hóa doanh nghiệp thông quan một cách thông thoáng hơn.

Liên quan đến kiến nghị kéo dài ân hạn thuế từ 275 ngày lên 365 ngày, đại diện Tổng cục hải quan cũng ghi nhận và sẽ kiến nghị với Bộ Tài chính để xem xét sửa đổi cho phù hợp với thực tế hiện nay.

Quý I năm 2013, xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 19,1 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2012, chiếm tỷ trọng 57,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên, tháng 4/2013, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 5,8 tỷ USD, giảm 8,0% so với tháng Ba./.


Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục