Hungary công bố một kế hoạch khôi phục kinh tế

Ngày 8/6, Thủ tướng Hungary công bố kế hoạch phục hồi kinh tế, nhấn mạnh việc hợp lý hóa hệ thống thuế, cắt giảm khu vực nhà nước.
Ngày 8/6, Thủ tướng Hungary Viktor Orban công bố kế hoạch phục hồi kinh tế, nhấn mạnh việc hợp lý hóa hệ thống thuế và những cắt giảm trong khu vực nhà nước.

Kế hoạch này được xem là động thái nhằm khôi phục lòng tin của thị trường sau khi có tin nói tình hình kinh tế của Hungary tương tự như ở Hy Lạp.

Kế hoạch do ông Orban trình bày trước Quốc hội dự tính tăng thuế đối với các thể chế tài chính, giảm thuế đối với công ty vừa và nhỏ, giảm bớt các thủ tục quan liêu đối với các nhà đầu tư, giảm lương trong khu vực nhà nước, hạn chế một số đặc quyền đối với các quan chức cấp cao và cấm trao đổi tài sản thế chấp với nước ngoài.

Theo ông Orban, đã đến lúc Hungary phải thay thế hệ thống kinh tế cũ bằng một hệ thống mới.

Thủ tướng Orban cũng cam kết tạo thêm một triệu việc làm trong thập kỷ tới và dự định công bố gói biện pháp "thắt lưng buộc bụng" nhằm thực hiện mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách nhà nước xuống còn 3,8% trong năm nay.

Theo các nhà quan sát, kế hoạch phục hồi kinh tế của chính phủ có thể được thông qua tại Quốc hội vì đảng Fidez của Thủ tướng Orban hiện chiếm 2/3 số ghế trong cơ quan lập pháp Hungary.

Năm 2008, Hungary từng thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ sau khi nhận được khoản cứu trợ 20 tỷ euro (khoảng 24 tỷ USD) từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên minh châu Âu (EU).

Cùng ngày, các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" đã diễn ra ở Tây Ban Nha và Đan Mạch, trong khi các nghiệp đoàn ở Đức cảnh báo sẽ tổ chức các hoạt động tương tự với qui mô lớn.

Tại Tây Ban Nha, cuộc tuần hành với sự tham gia của hàng chục nghìn người ở thủ đô Madrid chỉ là một trong số 60 cuộc tuần hành được tổ chức trên cả nước. Các nhà tổ chức biểu tình ở Tây Ban Nha cho biết 70% số người lao động trong khu vực nhà nước đã bãi công, trong khi ước tính của chính phủ là dưới 12%.

Làn sóng biểu tình khiến các bệnh viện phải giảm tần suất hoạt động và các chuyến tàu cao tốc buộc phải lùi giờ khởi hành.

Tại Đan Mạch, khoảng 40.000 người tụ tập bên ngoài trụ sở Quốc hội ở thủ đô Copenhagen chỉ trích chính sách "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ đe dọa chế độ phúc lợi xã hội.

Ngành công nghiệp, các nghiệp đoàn và giới truyền thông ở Đức lên án kế hoạch của chính phủ tiết kiệm chi tiêu 86 tỷ euro từ năm 2011-2014 không vì lợi ích của người nghèo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục