Cổ phiếu của Apple tăng vọt, Phố Wall vẫn ảm đạm

Tuần qua, chứng khoán Mỹ phải đón nhận chuỗi ngày giao dịch không mấy suôn sẻ, khi mà các chỉ số chủ chốt liên tiếp rơi vào “vùng đỏ."
Trong tuần qua, chứng khoán Mỹ phải đón nhận chuỗi ngày giao dịch không mấy suôn sẻ, khi mà các chỉ số chủ chốt liên tiếp rơi vào “vùng đỏ,” chịu áp lực bởi những mâu thuẫn tại Nhà Trắng xung quanh vấn đề ngân sách và trần nợ công của Mỹ, cũng như những lo ngại về số phận chưa chắc chắn của chương trình kích thích kinh tế trị giá 85 tỷ USD/tháng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Nối gót đà giảm điểm từ phiên cuối tuần trước, Phố Wall tiếp tục khởi động tuần (ngày 23/9) trong không khí ảm đạm.

Mặc dù giá cổ phiếu của hãng Apple tăng vọt nhờ doanh số bán "khủng" của hai dòng iPhone mới, song những phát biểu mới nhất của Chủ tịch chi nhánh Fed tại New York William Dudley cùng hai quan chức cấp cao khác của Fed về khả năng thể chế tài chính này có thể rút chương trình kích thích trong tháng Mười tới, với điều kiện là tình hình kinh tế được cải thiện đáng kể, đã gây hoang mang cho thị trường.

Trước đó, phần lớn các nhà phân tích đều cho rằng sẽ không có đủ các thông tin kinh tế mới trong thời điểm từ nay đến lúc diễn ra cuộc họp vào ngày 29-30/10 tới để Fed có thể đưa ra những thay đổi đối với chương trình thu mua trái phiếu hiện hành.

Thêm vào đó, cuộc chiến căng thẳng và dường như chưa có lối thoát của lưỡng viện Quốc hội Mỹ về vấn đề ngân sách và trần nợ công cho tài khóa mới 2014 (bắt đầu từ 1/10/2013) cũng phủ bóng đen lên thị trường.

Cũng chính sự chia rẽ sâu sắc của Quốc hội Mỹ trong vấn đề chi tiêu ngân sách và trần nợ công là nhân tố đẩy chứng khoán Mỹ tiếp tục lùi sâu trong hai phiên giao dịch liền sau đó (ngày 24-25/9).

Giữa bối cảnh tài khóa năm nay sẽ kết thúc vào ngày 30/9 tới, khiến các nghị sỹ Mỹ chỉ còn khoảng một tuần để nhượng bộ với nhau về vấn đề chi tiêu ngân sách, giới đầu tư càng thêm lo ngại bởi sự bế tắc này có thể buộc một số cơ quan liên bang và chương trình của Chính phủ phải tạm ngừng hoạt động, đẩy hàng trăm nghìn nhân viên không quan trọng phải nghỉ phép không lương, đồng thời cũng đe dọa sự ổn định của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, những số liệu trái chiều từ kinh tế Mỹ như chỉ số lòng tin của người tiêu dùng tháng 9/2013 sụt giảm, còn giá nhà ở tại Mỹ trong tháng 7/2013 tăng với nhịp độ chậm, cũng tác động xấu tới thị trường cổ phiếu.

Tuy nhiên, sau 5 phiên tiếp đi xuống liên tiếp, Phố Wall đã lấy lại đà tăng trong ngày giao dịch 26/9, nhờ các số liệu tương đối tích cực trong lĩnh vực việc làm và nhà đất tại Mỹ.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, lượng người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước đã giảm 5.000 người so với tuần trước đó, xuống còn 305.000 người- mức thấp nhất trong gần 6 năm qua và cũng thấp hơn con số mà giới phân tích dự đoán là 325.000 người.

Trong khi đó, doanh số bán nhà chờ bán trong tháng Tám tại Mỹ tuy sụt giảm 1,6% nhưng vẫn thấp hơn dự đoán giảm 2,3% của giới phân tích.

Bill Lynch, Giám đốc bộ phận đầu tư của Hinsdale Associates, cho biết thị trường đã tìm thấy điểm tựa, cũng như cơ hội để hồi phục sau những ngày lo ngại về sự bất ổn và căng thẳng xung quanh vấn đề ngân sách và trần nợ công của nước Mỹ.

Việc thị trường lao động có sự cải thiện cũng đồng nghĩa với khả năng Fed sẽ sớm có hành động giảm dần quy mô của chương trình mua trái phiếu, thắt chặt hơn chính sách tiền tệ như những tuyên bố trước đây, qua đó phần nào hạn chế đà tăng của các chỉ số chứng khoán.

Tưởng chừng đã thoát khỏi xu hướng mất điểm kéo dài nhờ sự xuất hiện của vài tín hiệu kinh tế sáng sủa, nhưng tới phiên cuối tuần (ngày 27/9), giới đầu tư chứng khoán lại phải "ngao ngán" khi cả ba chỉ số chính của Phố Wall lại đua nhau tuột dốc, do các nghị sỹ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa chưa đạt được đồng thuận về dự luật ngân sách khẩn cấp cho Chính phủ Mỹ hoạt động.

Sau một tuần thảo luận đầy kịch tích, ngày 27/9, Thượng viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua một dự luật ngân sách tạm thời trị giá 986 tỷ USD, nhằm cấp kinh phí hoạt động cho Chính phủ Mỹ từ nay tới ngày 15/11.

Dự luật này sẽ được gửi lên Hạ viện để xem xét.

Dù vậy, theo giới phân tích, những tranh cãi giữa các nghị sỹ lưỡng đảng Mỹ chủ yếu vẫn là về khoản ngân sách dành cho chương trình chăm sóc y tế mà Tổng thống Barack Obama đề xuất. Điều này đang đẩy Chính phủ Mỹ tới bờ vực ngừng hoạt động và vô số hệ lụy khác đi kèm. Trong đó, chịu tác động lớn nhất và trực diện là nền kinh tế vốn đang phục hồi mong manh.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 70,06 điểm, tương đương 0,46%, xuống 15.258,24 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng hạ 6,92 điểm (0,41%), xuống 1.691,75 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất 5,83 điểm (0,15%), đóng cửa ở mức 3.781,59 điểm.

Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones giảm 1,3%, chỉ số S&P 500 mất 1,1%, trong khi chỉ số Nasdaq Composite tăng được 0,2%. Khối lượng giao dịch toàn thị trường tiếp tục ở mức thấp, với khoảng 5,5 tỷ cổ phiếu được sang nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq.

Bên cạnh tình hình bế tắc về ngân sách tại Nhà Trắng, hiện giới đầu tư cũng đang hướng sự quan tâm vào mùa báo cáo lợi nhuận của khối doanh nghiệp Mỹ trong quý III/2013, dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng Mười tới. S&P Capital IQ mới đây đã đưa ra dự báo lạc quan rằng lợi nhuận của các công ty thuộc nhóm cổ phiếu S&P trong quý Ba này sẽ tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2012.

Trong tuần tới, một loạt các thông tin kinh tế quan trọng của Mỹ sẽ được công bố như đầu tư vào lĩnh vực xây dựng, lượng đơn đặt hàng công nghiệp và hoạt động của ngành dịch vụ.

Tuy nhiên, báo cáo về tỷ lệ thất nghiệp tháng 9/2013, dự kiến sẽ được đưa ra trong tuần thứ hai của tháng Mười, mới là thông tin được nhiều người chờ đợi nhất./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục