Lên chùa "cai" game

“Cô chiêu”, “cậu ấm” tu tập chốn thiền môn

Gần 70 “cô chiêu”, “cậu ấm” vốn chỉ quen với sự nuông chiều, lêu lổng đã quyết chí khăn gói lên núi vào chùa để tự sửa mình.
Gần 70 “cô chiêu”, “cậu ấm” vốn chỉ quen với sự nuông chiều, lêu lổng đã quyết chí khăn gói lên núi vào chùa nương nhờ cửa Phật sáng kinh tối kệ nhưng không phải để tu thành Phật mà để tự sửa mình và cai game, bỏ net.

Lên chùa cai game

Mới 4 giờ sáng, khi những đợt sương mai còn chưa kịp tan trên đỉnh núi Tây Thiên người ta đã thấy lũ trẻ mình vận áo lam, đầu chưa xuống tóc mà cũng chẳng hề để chỏm tề tựu đông đủ trong ngôi Đại hùng Bảo điện của Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc) để cầu kinh sớm và tọa thiền.

Suốt một tiếng rưỡi tọa thiền, các “cư sĩ” nhí cố gắng ngồi yên, thỉnh thoảng có đứa ngọ nguậy xoay chân trở mình vì mỏi nhưng không dám hé miệng kêu la và cũng không dám động cựa mạnh sợ làm ảnh hưởng đến người bên cạnh cũng như sợ sư thầy giám thiền quở mắng.

Bên góc trái ngôi chánh điện có cô bé áng chừng 10 tuổi đang nhẹ nhàng xoa đôi bàn chân hằn đỏ vì phải ngồi lâu rồi lại tiếp tục nhẹ nhàng khoanh chân nhắm mắt ngồi thiền cùng với chúng bạn.

Thầy Thích Huệ Tịnh, Thư ký của thầy Thích Kiến Nguyệt, Trụ trì Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên cho biết, đây là lớp tập tu của lũ trẻ ở dưới xuôi lên. Chúng được cha mẹ đem lên đây gửi gắm và nhờ nhà chùa trông nom, dạy dỗ đã hơn nửa tháng nay.

Đã thành nếp, sáng nào cũng vậy, 3 rưỡi sáng chúng đã thức giấc xuống đây chờ đến 4 giờ để tọa thiền với các thầy trong Thiền viện.

Theo chân thầy Huệ Tịnh tôi xuống trai phòng dự buổi cơm trưa. Trên đường đi lại thấy lũ trẻ xếp hàng ngay ngắn, tay trái khoác chiếc nón lá, tay phải ôm một chiếc bát tô to lặng lẽ đi vào nhà trai xếp hàng chờ nhận phần ăn.

Trong lúc chờ đến lượt mình, nhân lúc không thấy các thầy bên cạnh, cậu bé Giáp Văn Khương quê ở tận dưới Nam Định bắt đầu ngó nghiêng liếc sang chỗ bọn tôi tinh nghịch bắt chuyện: “Các chú làm gì mà có cái máy ảnh to thế?”. Tôi làm bộ nghiêm mặt không trả lời, thằng bé thấy thế nín khe không dám hỏi thêm gì nữa.

Tôi cười thầm trong bụng, hóa ra cu cậu vẫn chưa quên hẳn sự đời. Vui nhất là cái khoản ăn xong Giáp cũng như các cô cậu khác đã biết rửa bát cũng như những sinh hoạt cá nhân mà ngày thường đừng có hòng vì mọi chuyện đã có mẹ, không có mẹ thì đã có chị, không có chị thì đã có bà giúp việc.

Thế mới biết, cửa thiền từ bi cũng làm cho những đứa trẻ ngỗ nghịch biết mềm lòng hối cải, hóa hư hỏng thành hiền ngoan. Nhìn những “cô chiêu”, “cậu ấm” vốn chỉ biết chơi bời lêu lổng bởi cái tuổi thiếu niên hiếu động giờ đây mình khoác áo lam, ngày hai bữa cơm chay thanh tịnh, sáng kinh tối kệ, lúc rảnh rỗi quét sân lau nhà, đi đứng nhẹ nhàng, nói năng từ tốn… mà tấm lòng của các bậc sinh thành ra chúng cũng thấy vui lây.

Duyên lành nơi cửa Phật

Thầy Thích Kiến Nguyệt, Trụ trì Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên cho hay, việc nhà chùa mở cái lớp “cai game” này cho lũ trẻ cũng là một sự ngẫu nhiên không định trước. Lúc đầu chỉ có mấy cháu, sau một đồn mười, mười đồn trăm, các gia đình hay tin rủ nhau đem con lên đây gửi các thầy ngày một đông.

Cơ sở nhà chùa thì có hạn nên năm nay các thầy chỉ dám nhận khoảng 70 cháu chứ không dám nhận nhiều. Lũ trẻ lên đây ở với các thầy ngoài việc chấp hành môn quy, còn thỉnh thoảng được nghe các thầy giáo huấn, chỉ cho điều hay lẽ phải. Mới hôm nọ, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương, trong một lần giáo huấn đã hỏi lũ trẻ cái lẽ đúng sai của việc bẻ cành hái lộc ngày xuân.

Ở dưới có tiếng xì xào, lao xao bàn tán. Đợi cho chúng hồi tâm trật tự, Thầy mới thuyết rằng: “Thân cây cũng như thân người, nó cũng là loài biết sống và biết vươn lên giúp ích cho đời sao ta lại nỡ lòng nào bẻ cành vặt lá chỉ vì một chút lòng tin u mê tăm tối.

Ấy là chưa kể đến việc ta đang ra tay hủy hoại môi trường, tiêu diệt chỗ sống của chính ta”. Hay như chuyện trước mỗi bữa ăn, các em lại đọc một bài kệ để nhớ tới công ơn kẻ nông phu đã từng một nắng hai sương làm ra hạt gạo nuôi sống chúng sinh.

Những chuyện đạo lý ấy cứ như giọt mưa thu thấm dần vào trí não và cõi lòng của những đứa trẻ vốn chưa biết nhiều đến chuyện đời, chuyện người, giúp cho chúng trở thành những đứa trẻ biết nghĩ suy, biết hành động theo lẽ phải.

Thầy Kiến Nguyệt tâm sự, lúc lũ trẻ mới lên thấy chúng bị gò vào khuôn khổ cũng thương vì dù muốn hay không cái tuổi của chúng cũng như con chim non luôn muốn tự do  bay nhảy, giờ chỉ vì muốn thoát khỏi cái vòng cám dỗ của những thói hư tệ xấu ở đời mà cha mẹ chúng mới cất công đưa chúng lên đây theo các thầy tập tu.

Tiếng là tập tu nhưng các thầy cũng phải lựa theo tâm lý của chúng mà bảo ban dạy dỗ, tức là vừa lấy cái lòng bao dung, độ lượng vừa lấy cái kỷ cương của nhà chùa để giáo huấn. Ví như chuyện giáo huấn triết lý nhà Phật cũng không thể tùy tiện rao giảng như đối với những người đã quy y mà đôi lúc phải nhẹ nhàng bằng cách lồng ghép những câu chuyện vui ở đời.

Có như thế lũ trẻ mới dễ tiếp thu, mới không thấy nặng nề, chán nản. Năm nay là khóa đầu tiên, các thầy vừa dạy vừa rút kinh nghiệm. Năm sau khi cơ sở trường lớp, nơi ăn nghỉ của nhà chùa đã hoàn thiện xong nếu xã hội có nhu cầu nhà chùa sẽ tiếp tục rộng cửa đón các em.

Nói như thầy trụ trì, mục đích cuối cùng không phải để giúp các em thành Phật mà để giúp các em trở thành con ngoan trò giỏi.

Hôm lũ trẻ xuống núi đứa nào đứa ấy bịn rịn chẳng muốn rời chốn thiền môn. Có đứa còn khóc rưng rức hẹn các thầy sang năm lại lên đây tập tu. Thời gian gần một tháng ở chùa, kinh kệ không giúp lũ trẻ trở thành Bồ Tát nhưng chúng có được một tâm hồn trong sáng thánh thiện, biết bỏ những thói hư tật xấu để trở thành những đứa bé ngoan.

Âu đó cũng là cái duyên lành mà chúng sinh nhận được từ nơi cửa Phật./.

Bài viết này được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa tạp chí Doanh nhân thuộc VCCI và Vietnam+ 
(Doanh nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục