Đề nghị ngân hàng được cho vay mua cổ phiếu

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục cho phép ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay đầu tư cổ phiếu.
Cho ý kiến vào dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chiều 22/5, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục cho phép ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu như quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định cấm ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng đầu tư, kinh doanh cổ phiếu (Điều 126, 128) như dự thảo Luật vì cho rằng cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu có mức độ rủi ro rất lớn, có thể gây mất an toàn đối với từng ngân hàng thương mại và toàn bộ hệ thống ngân hàng, đồng thời cũng có thể là nhân tố gây mất ổn định cho thị trường chứng khoán khi các ngân hàng cho vay phải bán tháo cổ phiếu cầm cố.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để thúc đẩy thị trường tài chính Việt Nam phát triển, cần quy định cho phép các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, hoạt động đầu tư, kinh doanh cổ phiếu là hoạt động nhiều rủi ro, do đó, để đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng cần thiết phải quy định các điều kiện, giới hạn mà các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép cho vay hoạt động này.

Về quy định không đưa ra công luận việc tổ chức tín dụng bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt (khoản 4 điều 147), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cơ quan quản lý nhà nước công khai thông tin về việc một tổ chức tín dụng bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt là cần thiết nhằm minh bạch thông tin, bảo đảm công bằng về quyền tiếp cận thông tin, tạo sự tin tưởng cho xã hội vào hệ thống kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước, tránh tác động tiêu cực từ những nguồn thông tin không chính thức.

Tuy nhiên, cũng cần xem xét đến những tác động tiêu cực do tâm lý, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, khoản 4 Điều 147 của dự thảo Luật được chỉnh lý thành “Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể về việc công bố thông tin kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng.”

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho rằng việc sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng là rất cần thiết nhằm hướng tới sự chuẩn hóa của pháp luật trong thực tế và phục vụ công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo đại biểu Kiêm cũng như đại biểu Nguyễn Đình Quyền (thành phố Hà Nội) và Ngô Minh Hồng (Thành phố Hồ Chí Minh), tuy đã có nhiều tiến bộ, nhưng Dự thảo Luật vẫn còn nhiều điều luật mà sự triển khai trên thực tế phải phụ thuộc vào hướng dẫn Luật.

Để đảm bảo Luật được nhanh chóng đưa vào thực tế một cách có hiệu quả, ông cho rằng ngay từ bây giờ, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có kế hoạch triển khai hoạt động soạn thảo văn bản hướng dẫn Luật, các văn bản dưới Luật để sau khi Dự án Luật được thông qua sẽ sớm đi vào cuộc sống.

Trong khi đó, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) bày tỏ sự quan tâm đến các điều khoản quy định về phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng.

Bà Nga băn khoăn những quy định trong dự thảo Luật liệu có dẫn đến tình trạng thả nổi, tự do hóa lãi suất hay không và có ảnh hưởng đến những quy định khác có liên quan tại các Luật khác hay không.

Đại biểu Phạm Thị Loan (thành phố Hà Nội) cũng thẳng thắn cho rằng cần nghiên cứu kỹ hơn việc quy định về phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng hoặc có cơ chế, công cụ điều tiết vấn đề này để vừa đảm bảo an toàn của hệ thống vừa đảm bảo quyền và lợi ích của khách hàng.

Về ý kiến của một số đại biểu về quy định lệ phí, lãi suất hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên chỉ rõ quan điểm chủ đạo là không bỏ lãi suất cơ bản, nhưng cần có quan điểm, cái nhìn mới về lãi suất để đảm bảo yêu cầu phục vụ một cách hiệu quả chính sách tiền tệ quốc gia, vừa đảm bảo hoạt động điều hành của tổ chức tín dụng theo nguyên tắc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) gồm 10 chương, 163 điều, quy định về việc thành lập, tổ chức, quản lý, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, quản lý, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài và của tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng.

Dự kiến, luật này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2011./.

Xuân Khu (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục