Tập trung mọi nguồn lực phục vụ cho ngày bầu cử

Tại hội nghị trực tuyến về công tác bầu cử, các ý kiến đều nhấn mạnh cần tập trung mọi nguồn lực cho ngày bầu cử 22/5 thành công.
Nhiều ý kiến nêu ra tại hội nghị trực tuyến lần thứ 2 của Bộ Nội vụ với các địa phương về công tác bầu cử đã xoáy sâu vào chủ đề cần tập trung mọi nguồn lực phục vụ cho ngày Chủ nhật 22/5 tới, lần đầu tiên cử tri cả nước tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong cùng một ngày.

Đã sẵn sàng cho ngày hội lớn

Từ sau hội nghị hiệp thương lần thứ 3, lập danh sách chính thức giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII đến nay, theo số liệu thống kê của Bộ Nội vụ, cả nước có 827 người ứng cử đại biểu Quốc hội tại 183 đơn vị bầu cử. Trong đó, số người ứng cử do Trung ương giới thiệu là 182 người và ở các địa phương là 645 người.

Thực hiện kế hoạch giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện tại Hội đồng bầu cử đã tổ chức ba đợt giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Hội đồng bầu cử đã ban hành 14 nghị quyết cho phép bầu cử sớm ở một số khu vực bỏ phiếu của 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cho phép xã Pha Mu, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã lùi lại 6 tháng so với thời gian quy định.

Được sự cho phép của Hội đồng bầu cử, một số khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử do đặc thù về giao thông, địa hình đi lại khó khăn như ở các giàn khoan dầu khí, các tàu hải quân đang làm nhiệm vụ trên biển dài ngày, tàu ngư dân đánh bắt xa bờ, một số đơn vị bầu cử, khu vực bỏ phiếu tại thị trấn Trường Sa, xã Sinh Tồn, Song Tử Tây thuộc huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa); huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), được phép tổ chức bầu cử sớm.

Trên cơ sở đề nghị của các địa phương và theo chỉ đạo của Hội đồng bầu cử, Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn việc miễn thu lệ phí lưu chiểu con dấu các tổ chức phục trách bầu cử, chỉ đạo hệ thống kho bạc các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chi các nội dung phục vụ bầu cử, đảm bảo chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả.

Công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của ngày bầu cử cũng đã được các địa phương quan tâm.

Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn quốc với nhiều tiết mục cổ động người dân đi bỏ phiếu đã diễn ra từ ngày 25/4 đến 5/5, thu hút sự tham gia của 30 tỉnh, thành phố.

Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Phú Yên, Bắc Giang tổ chức triển lãm tranh với nội dung: Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2011-2016 là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân.

Theo báo cáo của các địa phương, danh sách tiểu sử của người ứng cử được cung cấp tới từng đơn vị bỏ phiếu, tới từng khu dân cư và được in màu để tạo điều kiện cho cử tri dễ dàng phân biệt, xem xét, lựa chọn trước khi đi bỏ phiếu đảm bảo chính xác, đúng theo ý chí, nguyện vọng của người dân.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định Trần Tất Tiệp cho biết, địa phương đã thực hiện chu đáo, đảm bảo theo đúng luật định cho người ứng cử về địa phương tiếp xúc cử tri vận động bầu cử.

"Tỉnh tổ chức tiếp xúc nhiều lần theo từng cấp cho người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2011-2016 đảm bảo chất lượng, thực sự tạo ra không khí dân chủ, sôi nổi khi cử tri tiến hành đóng góp ý kiến với từng người ứng cử. Không có khoảng cách giữa người ứng cử với cử tri," ông Tiệp khẳng định.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng thường trực Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng, dựa theo tình hình thực tế, tại một số địa phương do số lượng người ứng cử đông, để đảm bảo thời gian theo luật định, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đã phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức sắp xếp thời gian, lịch tiếp xúc vận động bầu cử cho người ứng cử đại biểu Quốc hội và người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh; huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; xã, phường, thị trấn tiếp xúc chung một điểm.

Cũng theo ông Thắng, hiện tại tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được bầu theo luật định là 3.830 người; đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện được bầu là 21.130 người. Số đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã được bầu là 281.491 người.

"Công tác chuẩn bị các điều kiện vật chất, kỹ thuật phục vụ bầu cử được chú trọng. Đến thời điểm hôm nay, ngày 16/5, trước 1 tuần diễn ra bầu cử, các địa phương đã hoàn thành việc chuẩn bị hòm phiếu, khắc dấu cho các tổ chức phụ trách bầu cử, thẻ cử tri, phiếu bầu cử, biểu mẫu, in ấn các tài liệu tập huấn, tuyên truyền cho bầu cử phát về tận các địa điểm bỏ phiếu," Thứ trưởng Trần Hữu Thắng cho hay.

Những vướng mắc cần được giải quyết

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định Trần Tất Tiệp cũng nhấn mạnh đến nhu cầu về nguồn điện trong ngày bầu cử.

Theo luật định, việc bỏ phiếu của cử tri trong ngày 22/5 sẽ bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 19 giờ tối cùng ngày.

Tuy nhiên, tùy theo tình hình thực tế ở địa phương, tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu bỏ phiếu sớm hơn, nhưng không được trước 5 giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn, nhưng không quá 22 giờ đêm.

Khi đã hết giờ bỏ phiếu, nếu còn cử tri ở phòng bỏ phiếu mà chưa kịp bỏ phiếu thì chỉ sau khi số cử tri này bỏ phiếu xong, tổ bầu cử mới được tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu.

"Thời gian được quy định như vậy, nếu như nguồn điện không được cấp thường xuyên, liên tục thì các thành viên của tổ bầu cử sẽ gặp nhiều khó khăn khi buộc phải thức trắng đêm để thực hiện các quy trình tiếp theo sau khi kết thúc cuộc bỏ phiếu," ông Tiệp nói.

Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 349 khu vực bỏ phiếu. Tuy nhiên, thay vì trưng tập trụ sở các cơ quan, đơn vị, trường học thì một số ban bầu cử ở địa phương lại mượn nhiều nhà dân để làm địa điểm bỏ phiếu.

Thứ trưởng thường trực Trần Hữu Thắng đã đề nghị địa phương cần chú trọng đến công tác trang trí, chuẩn bị chu đáo điều kiện cơ sở vật chất và nhất là có phương án bảo đảm an ninh, an toàn để cuộc bầu cử diễn ra thành công.

Hiện tại đang vào mùa gieo trồng ở khu vực Tây Nguyên nên đại diện Sở Nội vụ tỉnh ĐắkLắk đã đề xuất với Bộ Nội vụ có ý kiến với Hội đồng bầu cử cho phép địa phương được mở cửa địa điểm bỏ phiếu sớm để bà con thực hiện quyền công dân của mình khi đi bỏ phiếu, sau đó lên rẫy để tiến hành công việc của mình.

Đối với Thanh Hóa, một tỉnh có trên 5.000 khu vực bỏ phiếu, đã xuất hiện tình trạng ở một số xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn phải dùng rất nhiều phiếu bầu cử Hội đồng nhân dân cấp xã được viết bằng tay.

Trước thực trạng này, Thứ trưởng Trần Hữu Thắng đã có ý kiến chỉ đạo Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa phải nhanh chóng kiểm tra lại việc này, đề nghị cấp huyện giúp xã in phiếu bầu ngay để kịp cho ngày bầu cử.

Chỉ còn đúng 1 tuần nữa là diễn ra ngày bầu cử, kết thúc hội nghị giao ban trực tuyến, Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương chỉ đạo tổ chức việc khai mạc và kết thúc việc bỏ phiếu đảm bảo thời gian luật định, đôn đốc cử tri tích cực tham gia bỏ phiếu, song tránh việc vì thành tích muốn kết thúc nhanh cuộc bỏ phiếu ở địa phương, đơn vị bầu cử, khu vực bỏ phiếu dễ dẫn đến sai sót trong bầu cử.

Đồng thời, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức phụ trách bầu cử tăng cường giám sát, kiểm tra trong ngày bầu cử, kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn phát sinh để đảm bảo cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2011-2016 diễn ra vào Chủ nhật, ngày 22/5 thực sự dân chủ, thành công, an toàn, đúng luật định, trở thành ngày hội lớn của toàn dân./.

Vũ Anh Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục