Âm nhạc Việt: Để tất cả các "dòng sông" đều chảy

Nội dung gây chú ý nhất ở Đại hội Hội Nhạc sĩ lần VIII này là bắt mạch đo chỗ mạnh, chỗ yếu của âm nhạc nước nhà để điều trị hiệu quả.
Trong tuần này, từ ngày 7 đến 9/7 có một sự kiện được những người trong và cả ngoài giới hoạt động âm nhạc quan tâm, đó là Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Tại đây, nội dung được chú ý nhất là nhìn nhận lại, đi sâu đánh giá tình hình âm nhạc nước nhà trước bước phát triển mới.

Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân-Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, từ quý 3-4 của năm 2009, hội đã có nhiều hoạt động để chuẩn bị tiến hành cho Đại hội lần thứ VIII này. Qua Đại hội cơ sở từ các tỉnh thành có thể thấy nội dung đã được bàn luận rất phong phú và đã đề cập được những vấn đề nóng của đời sống âm nhạc.

Tác phẩm thì phải vang lên

Quan điểm của ông Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam là: Đặc thù của âm nhạc là tác phẩm phải vang lên,  vì vậy, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã nỗ lực tổ chức các Festival âm nhạc. Ông Chủ tịch cũng nhận định, có thể thấy bức tranh của Hội nhạc sĩ đã thêm sắc màu. Hiện tại toàn cảnh đời sống âm nhạc khá phong phú, âm nhạc đang phát triển từng ngày, biến thiên muôn hình vạn  trạng.

Tuy nhiên, dòng chảy âm nhạc không nằm trong vòng tròn của bất cứ đơn vị quản lý nào. Thế nên Hội Nhạc sĩ là tổ chức nghề nghiệp, có trách nhiệm kiểm soát hội viên của mình, theo dõi, hỗ trợ về chuyên môn và giúp giảm những nhức nhối (nếu có). Với việc có nhiều dòng tác phẩm vang lên cho thấy âm nhạc đang đầy sức sống. Còn đời sống ngắn hay dài của từng tác phẩm sẽ do khán thính giả quyết định cùng sự đánh giá của các nhà chuyên môn .

Thụ động về kinh phí cản trở sự lan tỏa

Trước thực tế âm nhạc trong phim, trong kịch, trong múa chưa được quan tâm đầy đủ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân  bức xúc: Tôi đã chứng kiến một tiết mục balet múa theo nhạc từ một đĩa thu sẵn của một dàn nhạc nổi tiếng thế giới, lẽ ra tiết mục đó cần đi với một dàn nhạc, một tốp nhạc sống, hiện hữu bên cạnh sân khấu.

Ben cạnh đó ông Quân cũng cho rằng dù nhạc giao hưởng thính phòng, nhạc dân tộc có rất nhiều ưu thế nhưng chưa phát huy được tiềm năng. Phải chứng kiến dàn nhạc của ta biểu diễn tại nước ngoài, được bạn bè quốc tế đón nhận vô cùng nhiệt tình, mới hiểu những tiềm năng lớn về loại hình âm nhạc hàn lâm này chưa có điều kiện phát triển ở ta, ông Quân nói.

Vấn đề cần đặt ra là chúng ta cần làm thế nào để chủ động về mặt kinh tế. Nếu chỉ trông vào bao cấp qua ngân sách (cho dù Nhà nước đã rất quan tâm) vẫn rất  eo hẹp. Nếu Hội huy động được kinh phí thì mới có thể chủ động việc đưa tác phẩm ra với đời sống xã hội. Nhờ thế sẽ chứng minh được tác phẩm âm nhạc mà Hội Nhạc sĩ trao giải có đời sống rộng rãi, dài lâu, ông Quân chia sẻ.

Phổ cập và uy tín

Theo nhạc sĩ An Thuyên, mặc dù Hội Nhạc sĩ là tập thể chuyên môn cao nhất của nền âm nhạc nước nhà, có chức năng tham vấn về nghề nghiệp cho Nhà nước, tuy nhiên, lại không có trách nhiệm về việc quy hoạch xây dựng nền âm nhạc của nước nhà.

Trong khi đó, một thực trạng đang diễn ra là nhiều nhạc sĩ trẻ ngày nay chú ý đến việc họ cần có nghiệp đoàn để... làm ăn, chứ không có nhu cầu tham gia vào tổ chức hội nghề nghiệp. Thậm chí nhiều nhạc sĩ còn ngại không muốn vào hội vì nghĩ rằng sẽ bị "chỉnh sửa"  về chuyên môn.

Những hạn chế này đang là những cản trở để Hội Nhạc sĩ phát huy được tối đa sức mạnh, uy tín để có sức phổ cập đến đời sống âm nhạc đất nước.

Đây cũng là những vấn đề đặt ra cho Hội Nhạc sĩ Việt Nam cần giải quyết trong thời gian tới./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục